“Sáng tạo”, “cái mới” là 2 từ được nhắc tới liên tục trong sự kiện Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017 tại Hà Nội. Trong các nhân vật được tôn vinh, rất nhiều người đã vượt qua những giới hạn của chính mình để biến những điều tưởng hoang đường thành hiện thực thông qua sáng tạo.

Trên sân khấu nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 có một người phụ nữ rất đặc biệt, đã làm những người chứng kiến ngỡ ngàng bởi nghị lực phi thường của mình: Bà Đỗ Thúy Hà - Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa, Hà Nội.

Để giành cơ hội thay đổi cuộc đời, người phụ nữ bị mất thị lực hoàn toàn từ năm 7 tuổi này đã kiên trì học tiếng Anh suốt 10 năm, trở thành người khiếm thị duy nhất dự thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc năm 2000 do UNESCO tổ chức và đoạt giải ba, vượt qua 350 thí sinh để trở thành một trong 7 đại diện của châu Á - Thái Bình Dương nhận học bổng Duskin tại Nhật Bản.

Ở Nhật, bà học cách thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, cách chăm sóc, hướng dẫn người khuyết tật phù hợp với từng công việc, cách truyền thông xã hội thay đổi nhận thức với người khuyết tật. Và giờ đây, bà Đỗ Thúy Hà đang trong hành trình hiện thực hóa “giáo án đừng sợ người khuyết tật”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trao bằng khen cho tập thể nữ cán bộ Bệnh viện Quân đội 108. Ảnh: Ngọc Vũ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trao bằng khen cho tập thể nữ cán bộ Bệnh viện Quân đội 108. Ảnh: Ngọc Vũ

Cũng được tôn vinh trong sự kiện là bà Trịnh Thị Hồng - Hội Từ thiện bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, một phụ nữ nghèo, người không hề có chuyên môn khoa học nhưng dám nghĩ đến việc “làm thay” công việc của các nhà khoa học: Sáng chế công thức nước tẩy rửa tốt, lành, rẻ từ rác thải.

“Tôi không phải người nghiên cứu, bác sỹ hay kỹ sư, nhưng sáng kiến của tôi được mọi người nhận định là biến cái không thể thành có thể. Tôi muốn nói rằng chị em phụ nữ hãy cứ cố gắng làm việc bằng đam mê, nhiệt huyết, phải dành hết tâm sức cho nó thì mới có được kết quả như mong đợi”.

Nghị lực và tinh thần vượt qua chính mình, vượt qua nghịch cảnh của những phụ nữ này không chỉ làm thay đổi cuộc đời họ mà còn giúp lan tỏa ánh sáng sang những cuộc đời có hoàn cảnh khó khăn khác. Nếu như những gì bà Thúy Hà học được đã đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng người khiếm thị thì thành quả sáng tạo của bà Trịnh Thị Hồng lại đang giúp nhiều phụ nữ nghèo ở nhiều tỉnh, thành tăng thêm thu nhập và cả ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường. Cách làm của bà là chia sẻ công thức chất tẩy rửa sinh học để họ sản xuất, đồng thời nhận tiêu thụ sản phẩm cho họ.


Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho rằng, câu chuyện của bà Thúy Hà, bà Hồng là nguồn cảm hứng bất tận cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam trên khắp cả nước: “Bằng ý chí, nghị lực phi thường và sức sáng tạo dồi dào, họ đã biến từ zero (số 0) thành hero (anh hùng)”.

Trong danh sách những phụ nữ được tôn vinh trong sự kiện Ngày Phụ nữ Việt Nam 2017 có cả những nữ sinh đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế, hoặc thủ khoa các khối trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, “những nữ sinh trẻ tuổi tài năng ấy sẽ viết tiếp thành công trên con đường sáng tạo và kiến thiết đất nước”.

Cũng chia sẻ với các bạn trẻ làm về việc theo đuổi đam mê, tiến sỹ Hà Phương Thư - Trưởng phòng Khoa học vật liệu, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một trong những người được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 - bày tỏ: “Đối với những bạn nữ sinh trẻ muốn dấn thân vào con đường nghiên cứu, tôi muốn nhắn nhủ các bạn rằng, thế giới khoa học rất rộng lớn và phong phú, đòi hỏi chúng ta phải luôn tìm tòi nghiên cứu và sáng tạo. Để vững bước trên con đường ấy, ngoài kiến thức chuyên ngành còn phải có đam mê. Cá nhân tôi và các cộng sự luôn tâm niệm, làm khoa học phải hướng tới cộng đồng bởi mục tiêu cuối cùng của khoa học chính là phục vụ cuộc sống”.

Tại sự kiện trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả mà phụ nữ Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua trên mọi lĩnh vực. Ông nhấn mạnh: “Với các thành tích, sáng kiến trong học tập, lao động và nghiên cứu khoa học, phụ nữ Việt Nam đã, đang và sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho sự phát triển của cộng đồng, đất nước; góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam nói riêng, phụ nữ toàn thế giới nói chung”.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đất nước sẽ không thể phát triển nếu không dựa vào nền kinh tế tri thức với tinh thần sáng tạo mọi lúc, mọi nơi của mọi tầng lớp nhân dân.

Tiến sỹ Hà Phương Thư cho biết, một trong số những nghiên cứu đang bước vào giai đoạn hoàn thiện của bà là sản xuất thuốc kháng sinh nano cho tôm cá. Nghiên cứu này được tiến hành để giải quyết một vấn đề khá cấp bách: Ở các tỉnh miền Trung, người nuôi tôm thường phải đối mặt với bệnh viêm gan tụy cấp trên con tôm thẻ chân trắng. Nếu không được hướng dẫn bài bản, người dân sẽ cho con tôm ăn lượng kháng sinh lớn, gấp hàng trăm lần so với liều cho phép. Những con tôm này sẽ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính và việc sản phẩm bị trả về sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi cũng như doanh nghiệp.