“Nếu nói về năng lực nghiên cứu của phụ nữ thì họ không hề thua kém nam giới, thậm chí họ còn có trách nhiệm cao với công việc, vì vậy các nhà quản lý cần phải có cách nhìn thực tế, đúng mức và công bằng cho những phụ nữ làm khoa học”.
GS-TS Phạm Thị Thùy - nghiên cứu viên cao cấp, Giám đốc Trung tâm Sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - đã nói về quan điểm cá nhân khi được hỏi về cơ chế chính sách dành cho nhà khoa học nữ.
Chưa thể nói bình đẳng đúng nghĩa
Từng có 35 năm công tác nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm vi sinh vật côn trùng của Viện Bảo vệ thực vật thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và hiện bà đang làm hợp đồng là giảng viên cao cấp tại bộ môn CNSH - vi sinh, khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS Phạm Thị Thùy hiểu rất rõ cái khó mà các nhà khoa học nữ gặp phải.
Theo Giáo sư Thùy, sự bình đẳng trong hoạt động nghiên cứu khoa học giữa nam và nữ vẫn còn khoảng cách, mặc dù nước ta đã nói tới bình đẳng giới, tuy nhiên trên thực tế trong nhiều lĩnh vực - nhất là nghiên cứu khoa học, nam giới vẫn được lựa chọn làm chủ nhiệm đề tài là chính, còn nữ giới làm chủ trì chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20%; dù trong các đề tài nghiên cứu đó, nữ giới thực hiện là chủ yếu.
Nếu xét về năng lực nghiên cứu, GS Phạm Thị Thùy cho rằng nữ giới hoàn toàn không hề thua kém nam giới, mặc dù sức khỏe có yếu hơn; mặt khác họ lại phải lo chăm sóc gia đình, do vậy quỹ thời gian không nhiều bằng nam giới, song họ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và sự tận tâm với công việc, cho nên mọi nghiên cứu của họ đều thành công.
Chứng minh cho quan điểm của mình, TS Thùy đã đưa ra hàng loạt bằng chứng về các nhà khoa học nữ đã từng đoạt giải Kovalepskaia ở Việt Nam. Riêng GS-TS Thùy, cho đến nay bà vẫn còn làm việc với 40 năm công tác. Bà đã từng chủ trì 30 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh, GS Thùy và đồng nghiệp đã nghiên cứu và sản xuất ra rất nhiều sản phẩm sinh học như Bacillus thuringiensis (Bt), Virus đa diện nhân (NPV.Ha, NPV.Sl, NPV.Dp) và nấm sinh học, trong số đó phải kể đến 3 chế phẩm nấm Beauveria, Metarhizium và Nomuraea trừ sâu hại cây trồng, cây rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi và môi trường sinh thái. Trong 3 loại nấm đó thì có 2 loại nấm Beauveria, Metarhizium đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp 2 bằng độc quyền sáng chế năm 2003 và 2006 . Riêng nấm Nomuraea đã đạt sản phẩm sáng tạo năm 2013 do TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xét tặng. “Có được kết quả đó chính là do sự nỗ lực không mệt mỏi trong suốt quá trình nghiên cứu, đồng thời phải luôn say mê và sáng tạo không ngừng mới mong nghiên cứu thành công” - GS Thùy nhấn mạnh.
Cần sòng phẳng trong nghiên cứu khoa học
Dù cho rằng phụ nữ chưa được coi trọng đúng mức, song TS Phạm Thị Thùy bày tỏ quan điểm riêng là phụ nữ không cần ưu tiên mà chỉ cần sòng phẳng trong khoa học.
Cùng chung quan điểm này, TS Phạm Phương Chi - hiện đang công tác tại Viện Văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là một trong số ít nhà khoa học nữ trẻ vừa có dịp gặp Thủ tướng - cho rằng, sự tiếp nhận nữ quyền được du nhập vào Việt Nam có vẻ là chưa đầy đủ: Phụ nữ Việt Nam đòi hỏi quyền lợi ngang bằng đàn ông mà quên đi rằng nữ quyền còn bao hàm việc phụ nữ phải làm được việc mà đàn ông có thể làm trong tất cả các lĩnh vực về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Người phụ nữ - nếu ý thức về nữ quyền - phải đề cao sự độc lập của mình trong tất cả các phương diện của công việc và đời sống; họ có thể làm được tất cả các nhiệm vụ mà không cần sự hỗ trợ, sự ưu tiên hay nhường nhịn từ đàn ông.
Với quan điểm này, TS Phương Chi cho rằng không cần đòi hỏi sự ưu tiên riêng biệt nào cho nhà khoa học nữ, song cần nhìn nhận những nhà khoa học từ công việc họ làm, thành tích mà họ đạt được với tư cách là một nhà nghiên cứu hơn là tập trung vào khía cạnh xem họ là nam hay nữ, họ từ đâu đến, họ bao nhiêu tuổi, họ theo hệ tư tưởng nào, họ giàu hay nghèo, họ đẹp hay xấu, họ sinh ra và lớn lên ở đâu, họ có truyền thống gia đình như thế nào... Đây là xu hướng chuyên nghiệp (professionalism) trong công việc mà các nước trên thế giới đang nỗ lực xây dựng, thông qua luật lệ - nội quy, nhằm đảm bảo sự tham gia công bằng của mọi cá thể xã hội vào bất kỳ một cơ hội nghề nghiệp nào nói riêng và một nhiệm vụ, vị trí xã hội nào nói chung.
Từ góc nhìn rất khác, TS Phương Chi chỉ ra sự ưu tiên trong công việc - vốn đi kèm với việc làm ít so với đàn ông - mà đòi hỏi quyền lợi ngang bằng đàn ông là điều không công bằng. Ỷ lại vào sự ưu tiên (đã có) và mong muốn được ưu tiên, người phụ nữ đang tự duy trì sự thua kém và yếu đuối của mình trong các quan hệ công việc và xã hội.
Bởi vì, chỉ thông qua công việc, phụ nữ mới bộc lộ và phát huy khả năng, tâm huyết của mình, từ đó có những đóng góp cho xã hội. Phải làm việc và phải đóng góp rồi hãy nói đến quyền lợi. Người phụ nữ của thời hiện đại phải tự rèn luyện, đào tạo để có khả năng, năng lực và có thái độ tích cực với bất kỳ nhiệm vụ khoa học, xã hội nào.
Theo GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, thế hệ nữ trí thức ngày nay đã và đang thành công trong cả các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu nano, cải tạo giống cây, con đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, nhiều nữ trí thức đã có những tác phẩm được nhận giải thưởng của Nhà nước, được công chúng trong và ngoài nước đón nhận.
Tuy nhiên, GS Châu cũng thừa nhận một thực tế quan niệm về bình đẳng giới vẫn chưa thật sự được cải thiện cả trong gia đình và xã hội.
“Tôi biết có những thanh niên trẻ không biết chế độ phong kiến là gì nhưng lại rất gia trưởng, chỉ muốn người phụ nữ của mình chu toàn việc nhà chứ không muốn họ phát triển nghề nghiệp, nhất là theo hướng nghiên cứu khoa học - một công việc đòi hỏi tốn khá nhiều thời gian, tâm sức” - GS Phạm Thị Trân Châu nói.
Thực tế, các nhà khoa học nữ không đòi hỏi một sự ưu tiên đặc biệt, song phải thấy rằng phần lớn những tấm gương phụ nữ làm khoa học thành công được vinh danh ở các giải thưởng trong nước và quốc tế là những người phụ nữ có năng lực, được làm việc trong môi trường tốt, được các cấp lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện, có người bạn đời biết thông cảm, chia sẻ và hơn hết là họ đều có niềm đam mê khoa học và ý chí để vươn lên.