Báo cáo Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2023 của Startup Blink cho biết, mặc dù Việt Nam duy trì thứ hạng trong Top 60, nhưng đã giảm 4 bậc so với năm ngoái.
Cụ thể, thứ hạng của Việt Nam đã từ bậc 54 xuống 58. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng như cũ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như khu vực Đông Nam Á - lần lượt là 12 và 5.
Năm nay, trên bảng xếp hạng toàn cầu, TPHCM có sự sụt giảm nhẹ - giảm 3 bậc, vị trí 114, điểm: 6.31. Trong khi đó, hệ sinh Hà Nội lại có sự cải thiện đáng kể - tăng 47 bậc, vị trí 174, điểm: 3.57. Điều này cho thấy khoảng cách giữa hai khu vực kinh tế năng động nhất Việt Nam đã bắt đầu thu hẹp.
Đáng chú ý, điểm số của cả TPHCM và Hà Nội đều thấp hơn so với năm 2022.
Lĩnh vực khởi nghiệp nổi bật ở TPHCM là công nghệ tài chính (Fintech), trong khi ở Hà Nội là công nghệ giáo dục (Edtech).
Ở khu vực Đông Nam Á, hai thành phố của Việt Nam vẫn duy trì vị trí trong Top 10.
Các hệ sinh thái hiện nay ở Đông Nam Á có sự chênh lệch khá xa, xếp theo thứ tự lần lượt là: Singapore (thứ 6 thế giới), Jakarta (thứ 29), Bangkok (thứ 74), Kuala Lumpur (thứ 87), Manila (thứ 95), TPHCM (thứ 114), Hà Nội (thứ 174), George Town (thứ 329), Bandung (386), Cebu City (468).
Cơ hội và thách thức
StartupBlink - trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu với trụ sở chính ở Haifa, Israel - đánh giá hệ sinh thái Việt Nam có tiềm năng to lớn, chủ yếu do quy mô thị trường đáng kể của nền kinh tế giúp các công ty khởi nghiệp có thể có lợi nhuận ngay cả khi không mở rộng ra quốc tế.
Gần đây, Việt Nam đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn cho các công ty nước ngoài muốn chuyển địa điểm vì hai lý do. Thứ nhất, phương Tây đã áp đặt hàng rào thuế quan đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, trong khi Việt Nam có rất nhiều hiệp định thương mại tự do liên kết với EU, Anh và một số nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ hai, chi phí sản xuất ở Trung Quốc đang tăng lên. Với những sáng kiến phù hợp, hệ sinh thái Việt Nam có thể hưởng lợi từ những xu hướng này để trở thành một trung tâm thực sự tại khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã thành lập một số quỹ và sáng kiến ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Hơn nữa, các tổ chức quốc tế cũng đang đóng góp cho hệ sinh thái Việt Nam thông qua nhiều sáng kiến và chương trình khác nhau.
Đầu tư mạo hiểm của Việt Nam đang tăng lên. Để thu hút các nhà đầu tư hoặc công ty nước ngoài vào Việt Nam, chính phủ đã đưa ra các ưu đãi thuế. Một số nhà đầu tư chủ chốt bao gồm Antler (Singapore) và 500 Startups (Mỹ). Hơn nữa, dự kiến nguồn tài trợ của các quỹ mạo hiểm có thể đạt 5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025.
Theo StartupBlink, những thách thức chính mà cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đang đối mặt là thiếu lao động có trình độ; thiếu các công ty khởi nghiệp quan trọng có quy mô lớn; và tốc độ cải cách quy định, chính sách chậm chạp.
Ngoài các quỹ và khoản vay hiện có, chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo để xây dựng lực lượng lao động có tay nghề cao.
Việt Nam cũng cần tiếp tục cải cách thể chế để xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện cho nhà đầu tư, nhà phát triển, và doanh nghiệp kỹ thuật số. Việt Nam càng trở thành một xã hội cởi mở, không bị hạn chế về Internet thì hệ sinh thái khởi nghiệp càng dễ phát triển - Báo cáo nhận định.
Hiện nay, các lĩnh vực đang thu hút đầu tư ở Việt Nam là: thương mại điện tử, fintech, công nghệ thực phẩm, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin.
Ba startup nổi bật nhất của Việt Nam có tên trong báo cáo của StartupBlink năm nay là ví điện tử và ứng dụng thanh toán MoMo, công ty phát triển phần mềm sản xuất trò chơi và sản phẩm dựa trên công nghệ blockchain Sky Mavis, và trang thương mại điện tử kết nối các nhà sản xuất, nhà phân phối và phòng khám dược phẩm BuyMed.
Xem đầy đủ báo cáo của Startup Blink
tại đây./.