Trong suốt mùa đông ở Bắc Cực, khi Mặt trời bị che khuất từ tháng 10 đến tháng 3, nhiệt độ trung bình thường dao động xung quanh mức nhiệt độ lạnh thấu xương là -20 độ C. Nhưng năm nay, Bắc Cực đang trải qua một đợt nóng khá bất thường.

Theo số liệu của viện Khí tượng Đan Mạch, nhiệt độ tại Greenland không chỉ tăng lên trên mức đóng băng (0 độ C), mà còn duy trì nó trong hơn 24 giờ vào ngày 20.2. Nhiệt độ tại mũi phía bắc của Greenland đạt mức 6 độ C vào ngày 24.2, thậm chí còn cao hơn cả nhiệt độ của các quốc gia châu Âu cùng thời điểm, khiến các nhà khoa học hàng đầu về khí hậu mô tả hiện tượng này là “điên rồ”, “kỳ quặc” và “đơn giản là gây sốc”, trên mạng xã hội Twitter.

Những điều kiện thời tiết dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ kỳ lạ này đã từng xuất hiện ở Bắc Cực trước đây, khoảng một lần trong mỗi thập kỷ. Tuy nhiên, lần gần đây nhất nhiệt độ gia tăng đột biến vào mùa đông ở Bắc Cực diễn ra vào tháng 2.2016, cách lần này đúng một năm – tức là khoảng cách giữa hai lần, ngắn hơn nhiều so với một thập kỷ trước, theo phòng Thí nghiệm môi trường biển Thái Bình Dương (PMEL) thuộc cục Quản
lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA).


Nhiệt độ Bắc Cực gia tăng, kết hợp với hiện tượng băng trên biển tan nhanh chóng, đang tạo ra một vòng lặp phản hồi khí hậu mới, có thể thúc đẩy sự nóng lên ở Bắc Cực.

“Tính đến ngày 26.2, nhiệt độ tại mũi Morris Jesup, Greenland đã có 61 giờ trên nhiệt độ đóng băng. Kỷ lục trước đó là 16 giờ thiết lập vào năm 2011”, Robert Rohde, nhà vật lý tại Berkeley Earth, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về biến đổi khí hậu, nói.

Nhiệt độ cao như vậy xảy ra ở Bắc Cực khi dòng tia (jet stream) – những luồng gió vận chuyển nhiệt và hơi nước trên khắp hành tinh – mở rộng và tương tác với các cơn bão mạnh ở phía bắc Đại Tây Dương, James Overland, nhà hải dương học tại PMEL, cho biết. “Dòng tia này mang không khí ấm kèm hơi ẩm từ phía nam tới trung tâm Bắc Cực. Do đó, nhiệt độ tại khu vực Bắc Cực sẽ không thể nguội nhanh như bình thường. Chúng tôi từng thấy hiện tượng tương tự xảy ra trong chu kỳ khoảng mười năm một lần, nhưng điều khác biệt là lần này băng mỏng hơn”, Overland giải thích.

Băng trên biển Nam Cực đang ngày càng trở nên mỏng hơn dự đoán của các nhà khoa học. Theo báo cáo thường niên của NOAA, Trái đất đang nóng lên với tốc độ nhanh chóng – giai đoạn từ năm 2014 – 2017, là những năm nóng nhất trong lịch sử – và Bắc Cực đang nóng lên gấp hai lần so với bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất. do đó vùng đất này sẽ không thể nào giữ được môi trường băng giá như ban đầu nữa.

Mùa hè ở đây sẽ kéo dài hơn, tất cả những điều này sẽ gây ra thách thức không nhỏ đối với không chỉ động vật hoang dã ở Bắc Cực, mà còn cả những người dân bản địa phụ thuộc vào hệ sinh thái Bắc Cực để tồn tại, bao gồm hơn 40.000 người sống trên bờ biển Alaska.