Giải Nobel Y sinh đã được trao cho hai nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian “cho những khám phá về các thụ thể tương tác với nhiệt độ và va chạm”. Các thụ thể của tế bào biểu mô là điểm đầu tiên của tuyến đường truyền tín hiệu từ bên ngoài vào các tế bào.
Cảm nhận về với nhiệt và va chạm là yếu tố tối cần thiết để sinh tồn và là nền tảng cho các tương tác của chúng ta với thế giới bên ngoài. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta coi những cảm giác đó là đương nhiên nhưng làm thế nào các xung thần kinh được kích hoạt để từ đó thụ cảm được nhiệt độ và áp lực? David Julius và Ardem Patapoutian đã trả lời câu hỏi này.
David Julius đã lấy hợp chất cay capsaicin từ ớt để gây cảm giác nóng, và xác định được một “cảm biến”ở đầu tận sợi thần kinh trong da đáp ứng với nhiệt. Ardem Patpoutian đã dùng các tế bào nhạy với áp lực để phát hiện một nhóm các “cảm biến” đáp ứng với kích thích cơ học trong da và nội tạng. Những phát hiện đột phá này đã khởi đầu cho những hoạt động nghiên cứu tiếp theo, dẫn đến sự gia tăng hiểu biết của nhân loại về cách hệ thần kinh con người cảm nhận các kích thích nóng, lạnh và cơ học.
Các khôi nguyên giải Nobel đã xác định được các mối liên kết quan trọng còn thiếu để hoàn thiện hiểu biết của chúng ta về sự tương tác lẫn nhau phức tạp giữa các giác quan và môi trường xung quanh.
David Julius (sinh ngày 4/11/1955) là một nhà sinh lý học người Mỹ được biết đến nhiều về công trình nghiên cứu về các cơ chế phân tử của cảm giác đau. Ông là giáo sư trường đại học California ở San Francisco, từng giành giải Shaw về Khoa học sự sống và y học năm 2010, giải Breakthrough về Khoa học sự sống năm2020.
Ardem Patapoutian (sinh năm 1967) ở Beirut, Lebanon) là nhà sinh học phân tử và khoa học thần kinh Lebanese-American, làm việc tại Viện Scripps ở La Jolla, California.
Ủy ban giải thưởng cho biết, đây là nghiên cứu cơ bản sẽ đem lại nhiều lợi ích trong việc phát triển thuốc trong tương lai.
Theo Tia Sáng