Bất chấp sự thận trọng của dòng vốn mạo hiểm toàn cầu, thị trường khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang thu hút dòng tiền đầu tư ngày càng tăng từ các quỹ và tổ chức trên thế giới.
Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (
Vietnam Venture Summit 2022) diễn ra ở Hà Nội sáng 19/12, gần 40 tổ chức, quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã cam kết sẽ rót 1,5 tỷ USD vào thị trường Việt Nam trong 3 năm 2023-2025. Các quỹ đã từng các cam kết rót vốn lần lượt là 435 triệu USD và 815 triệu USD vào Việt Nam tại Diễn đàn năm 2019 và 2020.
Dự kiến, đến năm 2025 tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ cán mốc 5 tỷ USD.
Trên thực tế, các cam kết này hoàn toàn khả thi. Trong giai đoạn 2020-2021, tổng số vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam được ghi nhận đã đạt gần 1,9 tỷ USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, số vốn mạo hiểm ghi nhận đạt gần 500 triệu USD, theo báo cáo trích dẫn một phần của Do Ventures & Cento Ventures Research.
Ông Vinnie Lauria, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành quỹ mạo hiểm Golden Gate Ventures, nhận xét: “Trong thập kỷ đầu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, Singapore và Indonesia là những động lực tăng trưởng hàng đầu, trong đó Singapore mang đến nguồn tài chính và con người, Indonesia mang đến một thị trường nội địa khổng lồ. Đến năm 2022, Việt Nam trở thành trụ cột thứ ba của tam giác vàng này, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu, một văn hóa khởi nghiệp vốn có của Việt Nam và thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng.”
Năm 2022, xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc do chịu ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn. Các cơ hội đầu tư trở nên khó khăn hơn đối với cả các startups và các nhà đầu tư, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trên thế giới đã và đang diễn ra mạnh mẽ.
Phân tích do
Crunchbase News công bố cho thấy, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý III/2022 là 81 tỷ USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước và giảm 33% (khoảng 40 tỷ USD) so với quý II/2022.
Tại Đông Nam Á,
DealStreetAsia cho biết thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong quý III/2022 chỉ đạt 3,72 tỷ USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước và 26% so với quý trước đó.
Ở Việt Nam, số liệu so sánh giữa báo cáo của Do Ventures & Cento Ventures Research và báo cáo của
Mashkraft Research cho thấy tổng vốn đầu tư mạo hiểm trong quý III/2022 đạt khoảng 145 triệu USD. Tốc độ giảm của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang nhanh hơn so với quốc tế, lần lượt giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giảm 44,2% so với quý trước đó.
Tín hiệu tích cực là số tiền đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam trong năm 2022 dù giảm đáng kể so với năm kỷ lục 2021 trước đó nhưng vẫn đang duy trì ở mức tương đương thời điểm trước đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, mặc dù giảm về số vốn và số lượng các thương vụ, song số lượng các thương vụ đầu tư cho giai đoạn sau (10 - 50 triệu USD) ở năm 2022 là không đổi, cho thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam huy động vốn ở vòng Pre-A và Series A vào năm ngoái đã có sự tăng trưởng và bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, giám đốc quỹ đầu tư Do Ventures, không nên coi bước lùi năm 2022 so với năm 2021 của Việt Nam là một tín hiệu tiêu cực mà cần có cái nhìn về dài hạn. Trên thực tế, dòng vốn quốc tế đang dịch chuyển ra khỏi một số thị trường lớn như Trung Quốc và đổ về các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Nó sẽ mở ra nhiều cơ hội cho đất nước nếu Việt Nam vẫn tiếp tục có những cải thiện tích cực về hệ sinh thái khởi nghiệp và môi trường đầu tư.