Hành động này nhằm hướng tới việc xây dựng văn hóa kinh doanh minh bạch và bền vững hơn trong các doanh nghiệp
Ngày 28/9, trong khuôn khổ diễn đàn trực tuyến Văn hóa kinh doanh liêm chính: Con đường dẫn tới kinh doanh thành công và vững bền do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Anh tổ chức, 15 hiệp hội doanh nghiệp với hơn 13.000 thành viên đã ký vào Bản cam kết kinh doanh liêm chính.
Cam kết này bao gồm các hoạt động mang lại lợi ích cho hiệp hội/ngành nghề như cam kết nâng cao hiệu suất về môi trường, xã hội và quản trị nhằm thu hút đầu tư; giữ chân và chiêu mộ người tài đến làm việc; tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp địa phương; củng cố niềm tin với các đối tác kinh doanh...
Bên cạnh đó, nó cũng thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng các cơ chế kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử, trách nhiệm giải trình, phòng chống tham nhũng trong kinh doanh, cải thiện xếp hạng tín dụng và bảo hiểm, bảo vệ tài sản trí tuệ,…
Việc ký cam kết không chỉ đơn giản là đưa ra một lời hứa mà còn giúp doanh nghiệp kết nối vào mạng lưới những người muốn thực hiện kinh doanh liêm chính, để từ đó được cung cấp các công cụ, chương trình đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm, động lực thực hành liêm chính tốt hơn tại Việt Nam.
Theo
báo cáo khảo sát về kinh doanh liêm chính tại Việt Nam do VCCI công bố đầu năm 2021, hiện trạng thực hành liêm chính trong các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam còn tương đối mờ nhạt, tính cam kết chưa cao. Mới có 29% doanh nghiệp đã triển khai các quy chế hoặc chính sách kinh doanh liêm chính, minh bạch và 34% có kế hoạch triển khai.
Tỷ lệ doanh nghiệp nước ngoài triển khai các quy chế, quy trình kinh doanh liêm chính minh bạch cao hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch, UNDP và VCCI đều cho rằng việc tiếp tục nâng cao tính minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình và chống tham nhũng trong hoạt động của các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng khi nối lại quan hệ làm ăn với các bên liên quan.
Theo ước tính của VCCI, đến hết tháng 12/2014, Việt Nam có khoảng 450 Hiệp hội doanh nghiệp.
Liêm chính trong hoạt động kinh doanh là gì
Theo báo cáo khảo sát về kinh doanh liêm chính tại Việt Nam 2021, khi được hỏi có đồng ý với định nghĩa tổng quát "Liêm chính là việc cá nhân, doanh nghiệp có hành vi ứng xử trong hoạt động kinh doanh phù hợp và nhất quán với các quy tắc, chuẩn mực được thừa nhận chung trong tập quán thương mại hoặc được quy định trong văn bản pháp luật nhằm phòng ngừa tham nhũng hiệu quả”, trên 98% doanh nghiệp đồng ý.
Tuy nhiên, khi hỏi chi tiết hơn về các đặc điểm của liêm chính, các doanh nghiệp có sự phân hóa khác nhau. Khoảng 22% đồng ý rằng liêm chính "gắn liền với chuẩn mực đạo đức và quy phạm pháp luật", trong khi 22% khác cho rằng liêm chính "gắn liền với yêu cầu tuân thủ quy tắc, chuẩn mực ứng xử được quy định chung của các cá nhân và các bên có liên quan". Chỉ 55% đồng ý với cách hiểu đúng là liêm chính "gồm cả 2 đặc điểm trên"
|