Tiêm tăng cường ngay sau tháng thứ ba chứ không phải sau sáu tháng như trước kia từng đề cập. Đó là khuyến nghị của cơ quan về tiêm chủng của Đức do sự lây nhiễm quá nhanh của biến thể Omicron. GS. Christine Falk, chuyên gia về miễn dịch học giải thích khi nào và nên dùng loại vaccine nào có hiệu quả nhất cho tiêm tăng cường.


Thưa GS. Falk, Ủy ban tiêm chủng Đức (Stiko) mới đây đề nghị sau ba tháng thì có thể tiêm tăng cường, trước đây là sáu tháng. Theo bà nên thế nào?

Thực tế là ở nhiều người sau sáu tháng tiêm mũi thứ hai phản ứng miễn dịch vẫn còn đầy đủ, kể cả với Omicron. Cần phân biệt có hai nhóm người, một nhóm tạo ra nhiều kháng thể có chất lượng, ở nhóm người này sau sáu tháng kháng thể vẫn còn nhiều. Nhóm thứ hai, phần đông ở cao tuổi, phản ứng miễn dịch sau tiêm chủng lần hai giảm nhanh, có thể sau vài tháng đã không còn lại bao nhiêu. Đối với những người này thì đương nhiên nên tiêm tăng cường sớm hơn, có thể là sau ba tháng. Bản thân tôi thiên về nên tiêm tăng cường sau tháng thứ sáu. Với những người trên 60 tuổi thì nên tiêm tăng cường sớm hơn, sau ba đến bốn tháng.

GS. Christine S. Falk - Chủ tịch Hội các nhà Miễn dịch học Đức và nghiên cứu y học tại Medizinischen Hochschule Hannover. Trọng tâm nghiên cứu của bà là vấn đề miễn dịch học cấy ghép.

Tại sao ngay cả những người đã tiêm chủng vẫn bị lây nhiễm? Dường như điều này thường diễn ra với biến thể Omicron.

Chúng ta biết vài tháng sau khi lây nhiễm số lượng kháng thể giảm dần. Điều này là bình thường. Hệ thống miễn dịch của người ta cũng phải biết duy trì trạng thái của mình, do đó sau khi tiêm chủng hoặc sau khi bị lây nhiễm nó sẽ chuyển sang chế độ chờ và tạo ra ít protein bảo vệ hơn. Điều này có nghĩa là hầu như không có bất kỳ kháng thể nào còn sót lại trên màng nhầy ở mũi và cổ họng. Nhưng cái đó chính là những gì chúng ta cần để ngăn chặn bị lây nhiễm virus này. Một mũi tiêm tăng cường đảm bảo rằng để chúng ta có sức đề kháng tối đa. Tôi đề nghị tiêm tăng cường sau tháng tứ tư vì lý do để cho hệ thống miễn dịch trong cơ thể phát huy hết khả năng của nó. Sau đó mũi tăng cường sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.

Các nước châu Âu siết chặt các hạn chế chống dịch sau Giáng sinh.

Một số người lo ngại nếu khoảng cách giữa hai đợt tiêm chủng ngắn thì nguy cơ bị tác động phụ cao hơn. Điều này có chính đáng không?

Không. Vì tế bào khi được tiêm tăng cường chỉ phản ứng với Spike-Protein của virus mà chúng ta đã tiêm chủng. Sau hai đợt tiêm cơ thể tạo ra tế bào có khả năng ghi nhớ để phản ứng với kháng thể. Các tác dụng phụ mà chúng ta thường nói đến được kích hoạt bởi các tế bào phòng thủ hoàn toàn khác nhau. Các tế bào thuộc về cái gọi là hệ thống miễn dịch bẩm sinh và phản ứng hoàn toàn không đặc hiệu với các mầm bệnh lạ hoặc RNA của chúng - bất kể chúng đã được huấn luyện cho nó hay chưa. Do đó, về mặt tác dụng phụ, không có gì khác biệt đối với thời điểm tiêm tăng cường.

Với tư cách một nhà miễn dịch học, người ta có thể thấy rõ điều đó trong dữ liệu: Khi những người được tiêm chủng bị lây nhiễm họ thường bị sốt ngắn, nhưng sau đó nhanh chóng hết. Diễn biến bệnh sau đó thường không đáng ngại. Điều này phải mất một vài ngày, vì vậy những người được tiêm chủng cũng có thể lây lan mầm bệnh. Nhưng một khi các ổ nhớ bắt đầu hoạt động, chúng cũng kiểm soát được biến thể này. Theo như chúng tôi đánh giá dù thời gian còn chưa nhiều: những người đã tiêm vaccine tăng cường ít có khả năng bị nhiễm Omicron hơn nhiều. Điều này có thể được thấy rõ trong các nghiên cứu có sẵn cho đến nay. Nhưng ở đây tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ.

Để tiêm tăng cường đã có hai loại vaccine được phê duyệt là Moderna và Biontech. Theo bà đối với Omicron nên chọn vaccine nào?

Cả hai, vì chúng giống nhau. Cả hai đều vận chuyển cùng một bản thiết kế mRNA cho protein đột biến. Sự khác biệt giữa hai loại vaccinenày là liều lượng: Với Moderna, là 50 microgam, bằng một nửa so với hai lần tiêm chủng đầu tiên. Với Biontech, liều lượng không thay đổi, 30 microgam.

Nhưng có nghiên cứu cho thấy Moderna tác động mạnh hơn?

Có vậy nhưng đó chủ yếu là do sử dụng với liều lượng cao hơn. Nói chung về cơ bản không có sự khác nhau giữa hai loại vaccine này.

Nhưng Moderna gây ra nhiều phản ứng phụ hơn.

Cái đó thì đúng. Do nguy cơ viêm cơ tim tăng nhẹ, nên chỉ nên dùng Moderna cho những người trên 30 tuổi. Với những người khác chú ý mấy vấn đề sau: có thể có người gặp các tác dụng phụ tạm thời, có thể hơn một chút so với Biontech, chẳng hạn như đau tại chỗ tiêm hoặc sưng hạch bạch huyết; nhưng ở đây, sự khác biệt rất nhỏ nên chúng hầu như không quan trọng. Nếu có cơ hội được tiêm tăng cường, bạn nên tận dụng nó, bất kể đó là loại vaccinenào trong hai loại vaccinemRNA .

Giờ đây diện những người cần tiêm chủng phong phú hơn. Thí dụ những người đã bình phục, sau khi bị lây nhiễm và đã tiêm chủng một lần, đối tượng này có cần tiêm tăng cường không?

Sau khi bị lây nhiễm mũi tiêm phòng đầu tiên có tác dụng làm mới rất, rất tốt. Người đó có thể tiêm tăng cường sau sáu tháng. Nếu Omicron không tồn tại, tôi thậm chí sẽ nói: Tôi không biết liệu chúng ta có phải tiêm nhắc lại hay không. Nhưng biến thể này là một ẩn số cho nên cẩn tắc vô áy náy. Quân tử phòng thân vẫn hơn.

Thế còn với các trường hợp ngược lại, đã tiêm chủng hai lần nhưng vẫn bị bệnh?

Họ có phản ứng miễn dịch tốt, hiện tại đã được chuẩn bị tốt rồi, họ có thể yên tâm qua mùa đông này.

Hiện nay tiêm chủng hỗn hợp (Non-Plus-Ultra) đang được đề cao. Vậy có nên chờ một thời gian nữa để dùng Novavax để tiêm tăng cường?

Tôi khuyên không nên chờ. Loại vaccine này sẽ không ra thị trường vào đầu mùa xuân tới. Tuy Novavax được coi là có hiệu quả cao để tiêm tăng cường. Nhưng khả năng bảo vệ của vaccine Moderna và Biontech vẫn tốt hơn nhiều. Nhưng với Novavax tôi hy vọng chúng ta sẽ tiêm chủng mũi đầu cho những người cho tới nay không chịu tiêm chủng.

Liệu vài tháng nữa chúng ta có lâm vào tình trạng bàn luận về tiêm mũi thứ ba không thưa giáo sư?

Tôi cũng không thể nhìn vào tương lai. Nhưng tôi mạnh dạn đưa ra tiên đoán sau: Bất cứ ai không được tiêm phòng bây giờ sẽ bị nhiễm Omicron. Đó là lý do tại sao không nên chờ để có một vaccine nào đó mới tiêm tăng cường. Omicron có khả năng lây nhiễm cao đến mức người ta không thể trốn tránh nó trong vài tuần. Điều này có nghĩa là: Sau đợt thứ tư, dân số của chúng ta sẽ chỉ bao gồm những người đã được chủng ngừa và những người đã khỏi bệnh. Nếu chúng ta tự bảo vệ mình một lần nữa bằng vaccine cập nhật vào mùa thu năm sau, do đó, tôi nghĩ rằng rất có thể chúng ta sẽ đạt được một loại miễn dịch bầy đàn để bảo vệ bản thân khỏi những đột biến mới. Nhưng như tôi đã nói: đây chỉ là suy đoán. Có điều chắc chắn là: trước tiên chúng ta phải xem làm thế nào để có thể vượt qua mùa đông này một cách bình an.

Nguồn: Welt