Dữ liệu từ một nghiên cứu mới đây cho thấy, giấc ngủ không sâu, bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới sự trao đổi chất và tăng khả năng tích mỡ của cơ thể lên cao.
Việc thiếu ngủ từ lâu đã có liên quan tới bệnh béo phì, tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới thì tác nhân chính gây béo phì trong trường hợp này không phải là việc ăn đêm như chúng ta thường nghĩ. Nghiên cứu đã chỉ ra chứng cứ thuyết phục rằng giấc ngủ không sâu, bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới sự trao đổi chất và khiến khả năng tích mỡ của cơ thể tăng cao.
Phát hiện này đã bổ sung thêm vào danh sách các ảnh hưởng xấu của giấc ngủ kém chất lượng tới nhịp độ sinh học và nguy cơ mắc hàng loạt các bệnh từ bệnh tim tới tiểu đường.
Jonathan Cedernaes, nhà nghiên cứu nhịp độ sinh học tại ĐH Uppsala, Thụy Điển, tác giả chính của bài nghiên cứu, cho rằng các phát hiện trong công trình đã chỉ ra “vai trò không thể thay thế của giấc ngủ”. Theo ông, giấc ngủ không chỉ giúp con người lưu trữ năng lượng mà còn có nhiều chức năng hơn thế.
Các nghiên cứu trước đây đã luôn đào sâu mối tương quan giữa thời gian làm việc (ca làm), tình trạng thiếu ngủ và bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, lý do đằng sau mối liên hệ này lại khá phức tạp và khó giải thích được. Tình trạng ngủ không đủ giấc được cho là sẽ gây gián đoạn các hormone điều khiển sự thèm ăn và cảm giác no. Những người ngủ ít hơn sẽ dành nhiều thời gian ăn hơn, lười tập thể dục và khó kiểm soát bản thân trước cơn thèm đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe. Một nghiên cứu từng thực hiện trước đây bởi Cedernaes và các đồng sự cho thấy chỉ một thời gian rất ngắn thiếu ngủ cũng có thể khiến người ta ăn nhiều đồ ăn giàu calorie với cường độ cao hơn, từ đó làm tăng nguy cơ béo phì. Hơn nữa, bệnh béo phì còn tăng nguy cơ ngưng thở trong giấc ngủ, một loại vấn đề hô hấp làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Nghiên cứu mới nhất của Cedernaes chỉ ra các bằng chứng cho thấy sự thiếu ngủ có ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống trao đổi chất và phá vỡ sự cân bằng khối lượng cơ và mỡ trong cơ thể.
15 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu đã tham gia một buổi thử nghiệm diễn ra trong hai giai đoạn. Họ sẽ cung cấp mẫu mô mỡ và mô cơ sau khi ngủ một giấc bình thường và sau khi thức cả đêm.
Khi bị thiếu ngủ, mô mỡ trong cơ thể cho thấy sự thay đổi: các tế bào tăng cường độ hấp thụ lipid (chất béo) và sinh sôi nhanh hơn.
Ngược lại, các nhà khoa học quan sát được sự suy giảm các protein cấu trúc trong tế bào mô cơ. Các protein này được coi là những viên gạch nền cần thiết để duy trì và phát triển khối lượng cơ trong cơ thể. Theo kết quả nghiên cứu trước đây, các công nhân làm theo ca và những người ngủ ít có khối lượng cơ trong cơ thể thấp hơn người thường. Ngoài ảnh hưởng từ lối sống, các chế độ sinh học nền tảng cũng tham gia vào quá trình giảm cơ này. Tình trạng thiếu ngủ cũng dẫn tới tình trạng viêm bên trong cơ thể - yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu đường loại 2.
Tuy nhiên, các tác giả nghiên cũng nói rằng cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để theo dõi xem các ảnh hưởng ngắn hạn họ phát hiện được có tồn tại lâu dài trong cơ thể các đối tượng nghiên cứu hay không.
Nguồn: https://www.theguardian.com/lifeandstyle/2018/aug/22/poor-sleep-makes-people-pile-on-the-pounds
Phạm Nhật theo The Guardian