Nghiên cứu mới phát hiện đi bộ hoặc đạp xe đi làm liên quan tới giảm nguy cơ tử vong và mắc các vấn đề về tâm thần cũng như thể chất so với việc di chuyển bằng các phương tiện khác.
Từ lâu, các nhà khoa học đã cho rằng việc chủ động đi lại bằng xe đạp hoặc đi bộ là một trong những cách thực tiễn và bền vững nhất để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước có nhiều hạn chế như quãng thời gian giám sát ngắn, nhóm tuổi hẹp và chưa đo lường được đầy đủ các lợi ích về sức khỏe.
Còn trong nghiên cứu này, các nhà khoa học Anh đã thu thập và phân tích dữ liệu từ Nghiên cứu theo thời gian của Scotland, dựa trên 5% dân số Scotland được lấy từ các cuộc điều tra dân số năm 1991, 2001 và 2011.
Đầu tiên, người trả lời cần chọn loại hình di chuyển chính, trong đó đi bộ và đạp xe được định nghĩa là di chuyển chủ động, còn tất cả các phương thức khác được coi là “thụ động”.
Sau đó, các chuyên gia kết nối những câu trả lời nhận được với dữ liệu về nhập viện, tử vong, và sử dụng các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, an thần và chống lo âu.
Ngoài ra, họ còn xem xét các yếu tố khác như tuổi tác, giới tính, kinh tế - xã hội, khoảng cách đi làm, các vấn đề sức khỏe tồn tại trước đó.
Phân tích cho thấy trong khoảng thời gian giữa năm 2001 và 2018, 4.276 người tham gia đã qua đời (một nửa trong số đó bị ung thư), và 52.804 người nhập viện (12% do các vấn đề tim mạch, 7% do ung thư, và 3% sau tai nạn giao thông). Ngoài ra, 38,5% người trước đó được kê thuốc tim mạch, và 41% được kê thuốc chữa bệnh tâm thần.
So với những người di chuyển thụ động, người đi bộ tới chỗ làm nhiều khả năng là phụ nữ làm việc theo ca, sống tại thành phố, đi quãng đường ngắn hơn, có thu nhập và trình độ học vấn thấp hơn.
Người đạp xe có những đặc điểm tương tự, nhiều khả năng là nam giới làm việc theo ca, sống ở đô thị, ít khả năng có nhà riêng hoặc có trách nhiệm chăm sóc.
Tuy nhiên, việc di chuyển chủ động rõ ràng liên quan tới việc giảm nguy cơ tử vong và mắc các vấn đề về tâm thần cũng như thể chất so với việc di chuyển thụ động.
Cụ thể, những người đạp xe đi làm có nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào thấp hơn 47%, nguy cơ nhập viện do bất kỳ nguyên nhân nào thấp hơn 10%, và nguy cơ nhập viện do bệnh tim mạch thấp hơn 24%.
Đạp xe cũng gắn liền với nguy cơ cần thuốc tim mạch thấp hơn 30%, nguy cơ tử vong do ung thư thấp hơn 51%, và nguy cơ nằm viện vì ung thư thấp hơn 24%, và nguy cơ cần thuốc tâm thần thấp hơn 20%.
Tuy nhiên, người đi xe đạp có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi do va chạm giao thông so với người di chuyển thụ động. Điều này cho thấy nhu cầu tạo cơ sở hạ tầng an toàn hơn cho người đạp xe.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, đi bộ tới chỗ làm liên quan nguy cơ nhập viện do mọi nguyên nhân thấp hơn 11%, nguy cơ nhập viện do bệnh tim mạch thấp hơn 10%, nguy cơ cần thuốc tim mạch thấp hơn 10% và nguy cơ cần thuốc tâm thần thấp hơn 7%.
Mặc dù có nhiều phát hiện quan trọng, nghiên cứu này vẫn còn những hạn chế. Thứ nhất, đây là nghiên cứu quan sát nên nó không thể xác định quan hệ nhân-quả. Thứ hai, câu trả lời từ điều tra dân số chỉ phản ánh một thời điểm duy nhất và không tính đến mức độ hoạt động thể chất tổng thể hoặc các chuyến đi dùng nhiều hình thức khác nhau.
Bất chấp những hạn chế, các tác giả khẳng định nghiên cứu này đã củng cố bằng chứng cho thấy thấy việc chủ động di chuyển có lợi ích sức khỏe ở cấp độ dân số, có thể góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Nguồn:
earth.com