Các nhà khoa học tại Đại học Virginia (UVA) đã xác định được 14 gen có thể gây ra béo phì và 3 gen có thể ngăn ngừa tăng cân. Phát hiện này mở đường cho các phương pháp điều trị chống lại béo phì.
"Hàng trăm biến thể gen có xu hướng xuất hiện nhiều ở những người bị béo phì. Nhưng 'có nhiều khả năng xuất hiện hơn' không có nghĩa là gây ra bệnh," Eyleen O'Rourke, nhà nghiên cứu tại Khoa Sinh học Tế bào của UVA, cho biết lý do vì sao khó xác định các gen gây béo phì. Để vượt qua rào cản này, nhóm O'Rourke đã phát triển một quy trình tự động để kiểm tra đồng thời hàng trăm gen về vai trò nhân quả của chúng đối với bệnh béo phì. Lượt thử nghiệm đầu tiên của họ đã phát hiện ra hơn một chục gen gây ra hoặc hạn chế béo phì.
Hình minh họa. Nguồn: Stock.adobe
Ngày nay, béo phì đã trở thành một bệnh dịch do chế độ ăn thường chứa nhiều đường; và lối sống ngày càng ít vận động cũng góp phần gây béo phì. Nhưng gen của chúng ta cũng đóng một vai trò quan trọng, vì gen điều chỉnh việc lưu trữ chất béo và ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ thức ăn làm "nhiên liệu". Vì vậy, nếu có thể xác định các gen chuyển đổi thức ăn thừa thành chất béo, chúng ta có thể tìm cách "tắt" các gen này và hạn chế nguy cơ béo phì.
Các nhà nghiên cứu di truyền học đã xác định được hàng trăm gen liên quan đến bệnh béo phì - các gen phổ biến ở những người béo phì hơn so với ở những người có cân nặng bình thường. Nhưng thách thức là xác định gen nào đóng vai trò nhân quả, thúc đẩy hoặc giúp ngăn ngừa tăng cân. Để phân loại, nhóm O'Rourke đã thử nghiệm trên mô hình sâu C.elegans. Những con sâu nhỏ bé này thích sống trong thảm thực vật thối rữa và ăn vi khuẩn, và chia sẻ hơn 70% gen của con người. Giống như con người, chúng trở nên béo phì nếu được cho ăn quá nhiều đường.
Trong nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học PLOS Genetics, nhóm O'Rourke đã sử dụng giun để sàng lọc 293 gen liên quan đến bệnh béo phì ở người, với mục tiêu xác định gen nào thực sự gây ra hoặc ngăn ngừa béo phì. Họ phát triển một mô hình máy tính mô phỏng giun, sau đó cho một số "con" ăn theo chế độ thông thường và một số con theo chế độ ăn nhiều đường fructose.
Từ mô hình béo phì này, cùng với tự động hóa và thử nghiệm có sự hỗ trợ của máy học, nhóm xác định 14 gen gây béo phì và 3 gen giúp ngăn ngừa béo phì. Việc ngăn chặn tác động của một trong các gen này ở chuột thí nghiệm đã ngăn ngừa tăng cân, cải thiện độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu. Các kết quả này (cộng với thực tế là các gen đã phát hiện đều được biết là có liên quan đến bệnh béo phì ở người) báo hiệu rằng kết quả có khả năng sẽ đúng trên người, các nhà nghiên cứu nói.
O'Rourke cho biết: "Rất cần các liệu pháp chống béo phì để giảm gánh nặng béo phì ở bệnh nhân và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Thử nghiệm quan hệ nhân quả trên mô hình động vật lần này hứa hẹn chỉ ra các gen chống béo phì."
Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2021/10/211001100432.htm
Phạm Nhật theo Sciencedaily