Một nghiên cứu mới đáng báo động cho thấy phân của trẻ sơ sinh có nồng độ polyethylene terephthalate (hay còn gọi là nhựa polyester) cao gấp 10 lần so với trong phân của người lớn.

Khi túi hoặc chai nhựa phân hủy, nó sẽ vỡ ra thành những mảnh siêu nhỏ và chui vào các ngóc ngách trong môi trường. Khi bạn giặt vải tổng hợp, các sợi nhựa nhỏ bị vỡ ra và chảy ra biển. Khi bạn lái xe, các mảnh nhựa văng ra khỏi lốp và phanh, thải ra môi trường. Đó là lý do các nhà khoa học tìm thấy vi nhựa, những mẩu vật liệu nhựa tổng hợp có chiều dài dưới 5 mm, ở bất kỳ đâu. Vi nhựa xuất hiện ở trên những đỉnh núi xa xôi nhất và trong lòng những đại dương sâu nhất, và cả những vùng hoang sơ như Bắc Cực. Tại 11 khu bảo tồn ở miền tây nước Mỹ, lượng vi nhựa tương đương với 120 triệu chai nhựa rơi từ trên trời xuống mỗi năm.

Và bây giờ, vi nhựa đang xuất hiện trong cơ thể trẻ sơ sinh. Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học mô tả việc sàng lọc tã bẩn của trẻ sơ sinh và tìm thấy trung bình 36.000 nanogram polyethylene terephthalate (nhựa PET) trên một gram phân, gấp 10 lần lượng họ tìm thấy trong phân của người lớn. Họ thậm chí còn tìm thấy vi nhựa trong những lần đi vệ sinh đầu tiên của trẻ sơ sinh. Nhựa PET là một loại polymer cực kỳ phổ biến, được gọi là polyester.

Các nhà khoa học cho rằng trẻ sơ sinh đang phải tiếp xúc nhiều hơn với vi nhựa so với người lớn. Ngoài việc uống từ bình sữa, trẻ sơ sinh có thể ăn phải vi nhựa theo một nhiều cách. Trẻ con có thói quen cho mọi thứ vào miệng - vải và các loại đồ chơi bằng nhựa. Các gói thức ăn cho trẻ sơ sinh được bao bọc bằng chất dẻo sử dụng một lần. Trẻ con cũng thường được cho uống từ cốc nhựa và ăn từ đĩa nhựa. Những tấm thảm mà chúng bò lên thường được làm bằng polyester. Ngay cả sàn gỗ cứng cũng được phủ một lớp polymer thải ra vi nhựa. Bất kỳ vật dụng nào kể trên đều có thể tạo ra các hạt vi nhựa mà trẻ em hít thở hoặc nuốt phải.

Bụi trong nhà cũng là một con đường chính tiếp xúc với vi nhựa, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh. Một số nghiên cứu về không gian trong nhà chỉ ra rằng mỗi ngày trong một hộ gia đình điển hình, 10.000 sợi nhựa nhỏ có thể rơi xuống một mét vuông sàn nhà, từ quần áo, ghế sofa và ga trải giường. Trong khi đó, trẻ sơ sinh thường xuyên bò qua đồ đạc, kích động các sợi nhựa nhỏ đã lắng và làm chúng bay lên không trung.

Ảnh minh họa

“Thật không may, với lối sống hiện đại, trẻ sơ sinh phải tiếp xúc với rất nhiều thứ khác nhau mà chúng ta không biết có thể gây ra những ảnh hưởng gì sau này trong cuộc sống," Kurunthachalam Kannan, nhà khoa học sức khỏe môi trường tại Trường Y Đại học New York, cho biết. Kannan là đồng tác giả của nghiên cứu mới, đăng trên tạp chí Environmental Science and Technology Letters.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm đếm vi nhựa trong phân bằng cách thu thập tã bẩn từ sáu đứa trẻ 1 tuổi và cho phân qua bộ lọc thu thập vi nhựa. Họ cũng làm như vậy với ba mẫu phân su - phân đầu tiên của trẻ sơ sinh, và mẫu phân của 10 người lớn. Ngoài việc phân tích các mẫu để tìm nhựa PET, họ cũng tìm kiếm nhựa polycarbonate, được sử dụng như một chất thay thế cho thủy tinh, ví dụ như trong thấu kính. Để đảm bảo rằng họ chỉ kiểm đếm các vi nhựa đi vào phân từ ruột của trẻ sơ sinh, chứ không phải từ tã của chúng, họ đã loại trừ loại nhựa có trong tã, polypropylene, một loại polymer khác biệt với polycarbonate và PET.

Kết quả cho thấy nồng độ nhựa PET ở phân trẻ sơ sinh cao hơn 10 lần so với người lớn, trong khi nồng độ polycarbonate đồng đều hơn giữa hai nhóm. Trong phân su, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy cả hai loại nhựa, nhưng ở lượng nhỏ hơn, cho thấy rằng trẻ sinh ra đã có sẵn vi nhựa trong cơ thể. Kết quả này nhất quán với các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy vi nhựa trong nhau thai người và phân su.

Hệ quả sức khỏe chưa rõ ràng

Nhưng vi nhựa tác động thế nào đến sức khỏe con người - và nghiêm trọng hơn là đối với sức khỏe trẻ sơ sinh? Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu. Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu tại Đại học ETH Zürich, Thụy Sĩ, các loại nhựa khác nhau có thể chứa bất kỳ hóa chất nào trong số ít nhất 10.000 loại hóa chất; khoảng 2.500 trong số có thể ảnh hưởng sức khỏe. Các hóa chất này có trong nhựa từ quá trình sản xuất và xử lý nhựa, chẳng hạn để tăng tính dẻo, độ bền, chống tia UV, v.v... Vi nhựa cũng có thể chứa sẵn các kim loại nặng như chì, và chúng cũng có xu hướng tích tụ các kim loại nặng và chất ô nhiễm khác khi di chuyển trong môi trường. Vi nhựa còn mang theo nó một "hệ sinh thái" vi sinh vật bao gồm virus, vi khuẩn và nấm - mầm bệnh cho con người.

Đặc biệt đáng lo ngại, trong nhựa có một loại hóa chất được gọi là hóa chất phá vỡ nội tiết, hoặc EDC, gây rối loạn nội tiết tố và có liên quan đến các vấn đề sinh sản, thần kinh và trao đổi chất, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ béo phì. Một EDC khét tiếng, bisphenol A (BPA), là thành phần nhựa vàliên quan đến các bệnh ung thư khác nhau.

“Chúng ta nên lo lắng vì các EDC trong vi nhựa đã được chứng minh có liên quan đến một số kết quả bất lợi trong các nghiên cứu trên người và động vật," Jodi Flaws, nhà nghiên cứu về chất độc sinh sản tại Đại học Illinois, người dẫn đầu một nghiên cứu năm 2020 của Hiệp hội Nội tiết về chất dẻo, cho biết. “Một số vi nhựa có chứa các chất hóa học có thể can thiệp vào chức năng bình thường của hệ thống nội tiết.”

Trẻ sơ sinh đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các EDC, vì sự phát triển của cơ thể chúng phụ thuộc vào hệ thống nội tiết khỏe mạnh. Kannan nói: “Tôi thực sự tin rằng những hóa chất này ảnh hưởng đến giai đoạn đầu đời của trẻ. Đây là một giai đoạn dễ bị tổn thương."

Nghiên cứu mới bổ sung thêm bằng chứng cho thấy trẻ sơ sinh tiếp xúc với nhiều hạt nhựa siêu nhỏ. Vì vi nhựa xuất hiện trong phân của trẻ sơ sinh, có nghĩa là ruột có thể đã hấp thụ một số hạt vi nhựa, giống như nó sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Các hạt đặc biệt nhỏ có thể đi qua thành ruột và tích tụ ở các cơ quan khác, bao gồm cả não. Các nhà nghiên cứu đã thực sự chứng minh tình trạng này ở cá chép bằng cách cho chúng ăn các hạt nhựa: những hạt nhựa sẽ di chuyển qua ruột và tích tụ lên đầu, gây ra tổn thương não, biểu hiện thành các vấn đề về hành vi. So với cá đối chứng, những con cá có các hạt nhựa trong não ít hoạt động hơn và ăn chậm hơn.

Nhưng đó là hệ quả của nồng độ vi nhựa rất cao, và ở một loài hoàn toàn khác. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ tiếp xúc với vi nhựa có thể gây ra các vấn đề gì trong cơ thể con người. Flaws nói: “Chúng tôi cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận liều lượng và loại hóa chất trong vi nhựa có thể dẫn đến hệ quả bất lợi cho sức khỏe."

Trong thời gian chờ đợi, các nhà nghiên cứu vi nhựa cho biết hãy hạn chế trẻ em tiếp xúc với nhựa. Không pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh bằng nước nóng trong chai nhựa - sử dụng chai thủy tinh và đổ qua chai nhựa sau khi chất lỏng đã đạt đến nhiệt độ phòng. Hút bụi và quét để giữ cho sàn nhà không có các sợi nhựa nhỏ. Tránh các loại bao bì và hộp đựng bằng nhựa khi có thể. Không thể loại bỏ hoàn toàn vi nhựa, nhưng ít nhất có thể giảm mức độ phơi nhiễm vi nhựa của trẻ em.

Nguồn: