Vào thời Hy Lạp cổ đại, ung thư là một căn bệnh đã được các thầy thuốc chẩn đoán và đưa ra những phương pháp điều trị khác nhau. Nhưng cách hiểu về y học và cơ thể người của họ rất khác so với các bác sĩ ngày nay.
Các trường hợp ung thư được biết đến sớm nhất
Bằng chứng sớm nhất về bệnh ung thư được tìm thấy trong một chiếc xương chân hóa thạch của loài người Hominin nguyên thủy sống ở phía nam châu Phi. Chiếc xương chân, có niên đại cách đây khoảng 1,6 đến 1,8 triệu năm, cho thấy có dấu hiệu của các khối u xương ác tính.
Những mô tả bằng chữ viết lâu đời nhất về bệnh ung thư có nguồn gốc từ người Ai Cập cổ đại. Trong cuốn sách giấy cói Edwin Smith Papyrus có niên đại vào khoảng năm 1600 trước Công nguyên, tám trường hợp ung thư vú đã được mô tả. Do cuốn sách giấy cói này là một phần của một chuyên luận phẫu thuật, nên phương pháp điều trị căn bệnh được đề xuất là loại bỏ khối u bằng kỹ thuật đốt (cauterization) – sử dụng nhiệt để đốt cháy một phần của cơ thể nhằm cầm máu hoặc loại bỏ mô.
Người có công đặt tên cho căn bệnh ung thư là Hippocrates, một danh y người Hy Lạp (460 – 370 trước Công nguyên). Hippocrates thường được mệnh danh là cha đẻ của Y học phương Tây. Hippocrates đã sử dụng hai thuật ngữ là “carcinos” và “carcinoma” để mô tả lần lượt các loại khối u không loét và khối u loét. Theo tiếng Hy Lạp thì các từ đó dùng để chỉ con cua. Điều này bắt nguồn từ việc quan sát khối u rắn ác tính có hình dạng tương tự vỏ của một con cua. Nó có những chỗ nhô ra giống như các ngón chân lan tỏa theo mọi hướng. Thuật ngữ “carcinos” sau đó được Celsus, nhà văn chuyên viết về y học La Mã, dịch sang tiếng Latinh thành “cancer”, cũng có nghĩa là con cua.
Phương pháp điều trị ung thư của người Hy Lạp cổ đại
Hippocrates sử dụng thuyết thể dịch (humoral theory) để giải thích cách thức cơ thể con người hoạt động. Theo lý thuyết này, cơ thể người chứa bốn loại chất lỏng, hoặc thể dịch khác nhau – bao gồm máu, đờm, mật đen và mật vàng. Trong cơ thể khỏe mạnh, cả bốn chất lỏng đều ở trạng thái cân bằng. Vì vậy, bệnh tật xuất hiện là do sự mất cân bằng của các thể dịch.
Đối với bệnh ung thư, Hippocrates và các thầy thuốc Hy Lạp khác tin rằng sự dư thừa của mật đen là nguyên nhân gây ra căn bệnh chết người này. Nếu lá lách không loại bỏ được mật đen dư thừa, ung thư có thể phát triển ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Thuyết thể dịch là lý thuyết y học thống trị ở châu Âu suốt nhiều thế kỷ, gây ảnh hưởng lớn đến kiến thức y học trong thế kỷ 19.
Theo thuyết thể dịch, một căn bệnh sẽ được chữa khỏi nếu chúng ta khôi phục sự cân bằng của bốn thể dịch. Điều này có thể đạt được thông qua một số phương pháp điều trị tương đối vô hại bao gồm tập thể dục, uống thuốc thảo dược và thay đổi chế độ ăn uống. Các phương pháp điều trị khác như rút bớt máu ra khỏi cơ thể, uống thuốc xổ,…có khả năng gây hại nhiều hơn là có lợi.
Các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại khuyến cáo, nhiều giải pháp y tế và thuốc khác nhau nên được áp dụng cho bệnh nhân nếu ung thư đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Nếu không thể loại bỏ mật đen dư thừa, bước tiếp theo sẽ là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau đó, các khu vực xung quanh vết mổ được đốt để tránh chảy máu quá mức. Bệnh nhân sẽ tuân theo một chương trình ăn kiêng và tập thể dục nhằm tăng cường sức khỏe sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại nhận thức được rằng những người mắc bệnh ung thư ít có cơ hội sống sót. Galen, bác sĩ người Hy Lạp sống trong thời kỳ La Mã, cho rằng không có cách chữa trị ung thư và việc loại bỏ khối u trong giai đoạn đầu sẽ gây hại thêm cho bệnh nhân.
Những hiểu biết hiện đại về ung thư
Năm 1902, nhà động vật học Theodor Boveri đã phát hiện ra nền tảng di truyền cơ bản của ung thư: nhiễm sắc thể bị đột biến ở một dạng nào đó khiến tế bào có khả năng phát triển và nhân lên không giới hạn. Các tế bào ung thư thường liên quan đến đột biến gene, chất phóng xạ, chất hóa học hoặc mầm bệnh.
Trong suốt những năm 1900, các nhà khoa học ngày càng phát hiện thêm nhiều yếu tố môi trường hay độc tố gây ung thư, ví dụ như aniline, hắc ín, amiăng,…Ngoài ra, họ cũng bắt đầu tìm ra bằng chứng cho thấy một số bệnh nhiễm trùng hoặc virus (viêm gan B, C, virus Epstein-Barr, HIV, HPV) liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư nhất định [ung thư cổ tử cung, ung thư Kaposi sarcoma…].
Khi con người hiểu nhiều hơn về cơ chế sinh bệnh ung thư, phẫu thuật không còn là một phương pháp điều trị duy nhất. Bức xạ, do Marie Curie và chồng bà và Henri Becquerel khám phá, trở thành một phương pháp điều trị ung thư không phẫu thuật.
Tiếp đó, phương pháp hóa trị liệu ra đời. Điều thú vị là nhiều hóa chất có khả năng chống ung thư hiệu quả được nghiên cứu và phát triển trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, với mục đích làm vũ khí hóa học. Năm 1965, các bác sỹ bắt đầu sử dụng biện pháp hóa trị liệu kết hợp – bởi vì các tế bào ung thư sẽ gặp khó khăn hơn nhiều để chống lại sự kết hợp của các loại thuốc.
Sau này, các nhà khoa học có nhiều hướng tiếp cận mới để điều trị ung thư như miễn dịch trị liệu (sử dụng thuốc tăng cường hệ thống miễn dịch để tấn công tế bào ung thư), công nghệ nano, vận chuyển thuốc tới các tế bào ung thư ở mức độ vi mô,…
Hiểu biết của các nhà khoa học về bệnh ung thư trong hai thập kỷ qua đã vượt xa những gì đạt được trong các thế kỷ trước đó cộng lại. Cuộc chiến chống ung thư và lịch sử phát triển mới của nghiên cứu ung thư sẽ được viết tiếp trong thế kỷ XXI này. Chúng ta hãy cùng hy vọng vào một viễn cảnh tươi sáng của khoa học.
(Theo Ancient Origins, Medical Daily)