Một nghiên cứu mới cho thấy những người phải ngồi làm việc cả ngày chỉ cần đứng lên khỏi ghế nửa giờ một lần là có thể cải thiện lượng đường trong máu và sức khỏe tổng thể.

Các tác giả nghiên cứu cho biết, việc ngồi làm việc liên tục sẽ làm tăng nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường loại 2. Nhưng chỉ cần thực hiện một số động tác di chuyển đơn giản đan xen vào những giờ ít vận động đó, nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa, một nhóm các bệnh có thể dẫn đến bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác sẽ giảm.

“Phá vỡ lối sống ít vận động để tạo ra những lợi ích về trao đổi chất, đừng nên ngồi cả ngày - thỉnh thoảng hãy đứng dậy và vận động," TS Erik Naslund, giáo sư khoa học lâm sàng tại Viện Karolinska, Stockholm, và là tác giả nghiên cứu mới, cho biết.

Ảnh minh họa

Kết quả nghiên cứu của nhóm Naslund cho thấy chỉ cần vận động ba phút sau mỗi 30 phút ngồi làm việc đã giúp cải thiện một chút lượng đường trong máu và sự dao động của lượng đường trong máu. Tuy nhiên, lượng vận động khiêm tốn như vậy không cho thấy "bất kỳ tác động nào đến các dấu hiệu lâu dài hơn của sức khỏe trao đổi chất, chẳng hạn như dung nạp glucose", Naslund cho biết. Naslund gợi ý, nếu muốn tạo ra các tác động sức khỏe trao đổi chất lâu dài hơn, "rất có thể, cần một khoảng nghỉ tập thể dục dài hơn".

"Mặc dù nhỏ và ngắn gọn, nhưng nghiên cứu này rất hấp dẫn với những người quan tâm đến sức khỏe cộng đồng. Việc tìm ra một 'liều vận động' tối thiểu có thể mang lại lợi ích trao đổi chất là một kết quả giá trị trong việc thúc đẩy lối sống lành mạnh," Tiến sĩ David Katz, chủ tịch của True Health Initiative, tổ chức thúc đẩy lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tật, nói. "Tất nhiên, vận động nhiều hơn sẽ tốt hơn, nhưng nghiên cứu này chỉ ra rằng chỉ một lượng vận động rất nhỏ mà ai cũng có thể thực hiện được cũng đủ đem lại những lợi ích rõ ràng."

Trong thời gian nghiên cứu kéo dài 3 tuần, nhóm của Naslund đã theo dõi 16 người trưởng thành béo phì có lối sống ít vận động hoặc có công việc ngồi cả ngày. Trong 10 giờ ngồi làm việc mỗi ngày, một thiết bị theo dõi thể dục phát tín hiệu 30 phút một lần, nhắc nhở người tham gia đứng dậy và di chuyển.

Trong khoảng thời gian ba phút hoạt động này, những người tham gia đã thực hiện các hoạt động cường độ từ thấp đến trung bình, chẳng hạn như đi bộ hoặc leo cầu thang. Các nhà nghiên cứu đã so sánh những người nghỉ để vận động với một nhóm không nghỉ để vận động và họ phát hiện dù thời gian vận động rất ngắn, những người trong nhóm vận động có cholesterol LDL - hay cholesterl "xấu" - thấp hơn, và lượng đường trong máu thấp hơn so với nhóm không vận động.

Những người trong nhóm vận động cũng có lượng đường trong máu ít tăng đột biến hơn, có thể là do lưu lượng máu được cải thiện, nghiên cứu chỉ ra. Tuy nhiên, việc vận động 3 phút sau mỗi 30 phút ngồi không cải thiện khả năng dung nạp glucose tổng thể, hoặc chất béo trong cơ - các tác động sức khỏe lâu dài - các nhà nghiên cứu lưu ý.

Bình luận về nghiên cứu này, Tiến sĩ Len Horovitz, bác sĩ nội khoa tại Bệnh viện Lenox Hill, thành phố New York, cho biết, "ngồi lâu cũng là một dạng 'hút thuốc'. Nếu bạn không di chuyển, cơ thể bạn sẽ đông cứng lại, không đốt cháy calo, không sử dụng cơ bắp và hệ thống tuần hoàn không được thúc đẩy." Điều này "dẫn đến đủ loại hậu quả liên quan đến các cơ, khớp, tuần hoàn và lượng đường trong máu," Horovitz nói, khuyến cáo mọi người nên tích cực vận động.

Ngoài ra, Horovitz lưu ý, nên tập thể dục 20 phút ba lần một tuần;và tại nơi làm việc, cũng nên thường xuyên đứng dậy và vận động. "Tôi thường yêu cầu bệnh nhân đứng lên sau mỗi 20 phút ngồi làm việc và đi bộ xung quanh - càng di chuyển nhiều càng tốt," Horovitz nhấn mạnh.

Nguồn: