Những ai hay phải đối phó với các chấn thương tâm lý thì cũng thường dễ mắc bệnh tim.

Đó là kết quả của một nghiên cứu mới, công bố trên tạp chí British Medical Journal vào hôm 10/4. Trong đó, các tác giả đã sử dụng dữ liệu y tế quốc gia của 136.637 bệnh nhân Thụy Điển – những người không có tiền sử tim mạch, nhưng lại bị chuẩn đoán mắc các chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng trong giai đoạn 1987 – 2013 do nhiều nguyên nhân, rồi sau đó so sánh tình trạng của họ với các anh chị em ruột và người không có mối liên hệ ở cùng độ tuổi lẫn giới tính (có hồ sơ sức khỏe đầy đủ).

Nguồn ảnh: Shutterstock.
Nguồn ảnh: Shutterstock.

Kết quả cho thấy, khoảng một năm sau chuẩn đoán, người hay bị rối loạn do căng thẳng thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 64% so với các anh chị em của họ, và khoảng 70% so với những bệnh nhân khác không liên quan. Trong 27 năm, đã có tới 10,5% số ca rối loạn bị tiến triển thành bệnh tim, so với 8,4% ở nhóm anh chị em ruột và 6,9% dân số nói chung; với các biểu hiện chính bao gồm: suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, tăng huyết áp và lên cơn đau tim …

Giáo sư y khoa Mary Whooley tại Đại học California San Francisco, người không tham gia vào nghiên cứu trên, cho biết rất ấn tượng với thành quả của các đồng nghiệp Thụy Điển. Trước đây, phần lớn các nghiên cứu nhằm đi tìm mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần với bệnh tim mạch thường chỉ tập trung vào hội chứng PTSD ở những cựu binh nam giới – GS. Whooley, người cũng đồng thời là giám đốc phục hồi chức năng [tim mạch] tại hệ thống chăm sóc sức khỏe của cựu binh San Francisco, nhấn mạnh. “Điều thực sự gây ấn tượng nhất ở nghiên cứu trên chính là số lượng bệnh nhân khổng lồ; và hơn một nửa là phụ nữ. Ngoài ra, thông qua so sánh tình trạng của bệnh nhân với anh chị em ruột, nghiên cứu trên cũng cho thấy sự kiểm soát tốt hơn đối với các yếu tố như đặc điểm di truyền và trải nghiệm thời thơ ấu – những điều hoàn toàn có thể đóng góp vào nguy cơ mắc bệnh tim của một ai đó.

Tuy nhiên, còn rất nhiều bí ẩn về cơ chế gây ảnh hưởng lên sức khỏe tim mạch do căng thẳng và các điều kiện tâm lý khác mà khoa học chưa thể chứng minh, có thể là do tác nhân sinh lý hoặc lối sống. Như một số nghiên cứu trước đây đã từng chỉ ra, rất có thể những hoạt động tăng cường tại vùng amygdala trong não – đóng vai trò xử lý cảm xúc, nhất là tâm lý sợ hãi – đã gây viêm và làm hại đến trái tim. Ngoài ra, những người bị chứng PTSD cũng thường có xu hướng hút thuốc nhiều và càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

“Phần lớn mọi người đều có những lúc trong cuộc đời phải chịu đựng các tổn thương tâm lý” – Huan Song, đang làm postdoc tại Đại học Iceland, tác giả chính của nghiên cứu trên, cho biết. Đó có thể là do biến cố mất đi người thân, kẻ duy nhất sống sót sau tai nạn, thiên tai, hay thường xuyên phải chứng kiến bạo lực. Vì thế, các chuyên gia và cơ sở cung cấp dịch vụ y tế càng cần phải có nhận thức đầy đủ về nguy cơ mắc bệnh tim mạch của nhóm người này – Song nhấn mạnh.

Nguồn: sciencenews.org