Các nhà nghiên cứu Canada phát hiện, những đoạn nhạc giàu cảm xúc có liên quan đến cường độ đau thấp hơn.

Âm nhạc từ lâu đã được chứng minh là có tác dụng giảm đau, tác dụng này thậm chí xảy ra ở trẻ sơ sinh, và những giai điệu yêu thích có thể có tác dụng giảm đau mạnh hơn âm nhạc thư giãn được chọn ngẫu nhiên.

Nghiên cứu mới cho rằng những phản ứng cảm xúc do âm nhạc tạo ra cũng quan trọng với mức độ giảm đau.

“Chúng ta đã có thể ước tính những bản nhạc yêu thích làm giảm cơn đau khoảng một điểm trên thang điểm 10, tác dụng này mạnh bằng thuốc giảm đau không kê đơn như Advil (ibuprofen) trong cùng điều kiện" - theo Darius Valevicius, Đại học McGill (Canada), tác giả đầu tiên của nghiên cứu. Valevicius cho biết âm nhạc giàu cảm xúc có thể có tác dụng giảm đau mạnh mẽ hơn nữa.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Pain Research. Nhóm Valevicius dùng đầu dò làm nóng một vùng trên cánh tay trái của 63 người tham gia khỏe mạnh, độ nóng của đầu dò tương đương với một tách cà phê nóng áp vào da.

Trong khi trải qua quá trình này, người tham gia được nghe lần lượt 2 bản nhạc yêu thích của họ, nhạc thư giãn được chọn cho họ, nhạc sôi động, và không nghe gì cả.

Với lần lượt các loại âm nhạc (hoặc im lặng), người tham gia được yêu cầu đánh giá cường độ và mức độ khó chịu của cơn đau. Thử nghiệm kéo dài khoảng 7 phút, trong đó có 8 lần kích thích gây đau và tám lần xếp hạng.

Mỗi lần nghe nhạc, người tham gia cũng được yêu cầu đánh giá mức độ dễ chịu của âm nhạc, sự hưng phấn cảm xúc và số lần họ cảm thấy như râm ran, rùng mình hoặc nổi da gà - những hiện tượng liên quan đến cảm xúc đột ngột hoặc sự tập trung chú ý tăng cao.

Kết quả, những người tham gia đánh giá mức độ đau ít hơn khoảng 4 điểm trên thang điểm 100 và mức độ khó chịu ít hơn khoảng 9 điểm khi nghe những bản nhạc yêu thích của họ so với sự im lặng hoặc âm thanh khác. Âm nhạc thư giãn được chọn ngẫu nhiên không tạo ra hiệu ứng giảm đau.

Nghiên cứu sâu hơn cho thấy âm nhạc tạo ra nhiều cảm giácrâm ran, rùng mình hoặc nổi da gà hơn liên quan đến cường độ đau và sự khó chịu do cơn đau gây ra đều thấp hơn.

Ở đây có 2 cơ chế giảm đau: cảm giác mạnh có thể có tác dụng ngăn chặn các tín hiệu đau tăng dần, trong khi cảm giác dễ chịu của âm nhạc có thể ảnh hưởng đến giá trị cảm xúc của cơn đau mà không ảnh hưởng đến cảm giác - Valevicius cho biết, nhưng cảnh báo rằng cần thử nghiệm thêm những giả thuyết này.

Tiến sĩ Brendan Rooney ở trường tâm lý học của Đại học College Dublin, nói ông không tin rằng bản thân âm nhạc có năng lựcđặc biệt nào đó, nhất là khi nhận thức của người tham gia về cơn đau khi nghe một bản nhạc có thể ảnh hưởng đến báo cáo của họ về cảm giác đau.

Nhưng Rooney cho biết nghiên cứu này ủng hộ những phát hiện của nhóm ông trước đây rằng âm nhạc được những người tham gia tự lựa chọn dường như có tác dụng giảm đau mạnh hơn. Ông nói: “Bài báo này và nghiên cứu của chúng tôi cùng nhau cung cấp bằng chứng cho thấy những người đang trải qua nỗi đau nên được trao quyền để lựa chọn trải nghiệm giảm đau của chính họ từ âm nhạc và giải trí.”

Nguồn: