Theo một nghiên cứu mới, sinh viên đại học có nguy cơ bị trầm cảm và lo lắng cao hơn so với những người cùng trang lứa đi làm ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Nguyên nhân có thể do căng thẳng tài chính mà giáo dục đại học gây ra.

Đây là nghiên cứu đầu tiên tìm thấy bằng chứng về nguy cơ trầm cảm và lo lắng cao hơn một chút ở sinh viên Anh.

Tác giả đầu tiên của nghiên cứu, nhà tâm thần học Tayla McCloud tại Đại học College London UCL, cho biết các nghiên cứu trước đây chưa tìm thấy mối liên hệ giữa trường đại học và nguy cơ sức khỏe tâm thần, nguyên nhân có thể là hiện nay "áp lực tài chính gia tăng và sinh viên lo lắng về việc đạt được kết quả cao trong bối cảnh kinh tế và xã hội khó khăn".

Hình minh họa. Nguồn: PA

McCloud cho biết nhóm nghiên cứu kỳ vọng sinh viên đại học có sức khỏe tâm thần tốt hơn vì họ có xu hướng xuất thân từ những hoàn cảnh nhiều đặc quyền hơn, và kết quả mới "đặc biệt đáng lo ngại" và cần nhiều nghiên cứu tiếp để xác định những rủi ro mà sinh viên phải đối mặt.

Tác giả chính, nhà tâm thần học Gemma Lewis tại UCL, cho biết sức khỏe tâm thần kém hơn ở trường đại học có thể gây ra hậu quả trong cuộc sống sau này. "Vài năm đầu tiên của giáo dục đại học là thời điểm quan trọng để phát triển, vì vậy nếu chúng ta có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của sinh viên trong thời gian này thì có thể mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe cũng như cho thành tích học tập và thành công lâu dài", Lewis nói.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet Public Health và do Bộ Giáo dục Anh ủy quyền cho thấy khi đến tuổi 25, không còn sự khác biệt về nguy cơ sức khỏe tâm thần giữa nhóm sinh viên tốt nghiệp và nhóm không theo học đại học. Phân tích cũng cho thấy nếu loại bỏ mức gia tăng nguy cơ sức khỏe tâm thần khi theo học đại học thì tỷ lệ trầm cảm và lo lắng ở những người trong độ tuổi 18-19 sẽ giảm 6%.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu về giới trẻ ở Anh, bao gồm 4.832 thanh niên sinh năm 1989 - 1990, ở độ tuổi 18-19 trong năm 2007- 2009 và 6.128 thanh niên sinh năm 1998 - 1999, độ tuổi 18-19 vào năm 2016 - 2018. Trong cả hai nhóm, chỉ hơn một nửa theo học bậc đại học. Người tham gia đã hoàn thành các cuộc khảo sát sức khỏe tâm thần về các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và rối loạn chức năng xã hội ở nhiều thời điểm trong nhiều năm.

Các nhà nghiên cứu phát hiện sự khác biệt nhỏ về triệu chứng trầm cảm và lo âu ở độ tuổi 18-19 giữa sinh viên và người không theo học đại học. Các yếu tố bao gồm tình trạng kinh tế - xã hội, trình độ học vấn của cha mẹ và việc sử dụng rượu đã bị loại trừ.

Phát hiện này tương đồng với một nghiên cứu của King's College London (Anh), theo đó các vấn đề về sức khỏe tâm thần được báo cáo ở sinh viên đại học trong năm 2022 - 2023 đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2016 - 2017. Một phần đáng kể của mức gia tăng này đã diễn ra trong 12 tháng qua, trùng với thời điểm khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh.

Nghiên cứu của King's College London chỉ ra trong số những sinh viên cân nhắc bỏ học đại học, tỷ lệ cho rằng khó khăn tài chính là nguyên nhân đã tăng từ 3,5% trong năm 2022 lên 8% trong năm 2023. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần tăng dần khi sinh viên đảm nhận nhiều công việc được trả lương hơn trong thời gian học.

Năm nay, ngoài chi phí gia tăng do lạm phát, sinh viên đại học ở Anh còn phải đối mặt với mức tăng tiền thuê nhà tăng cao chưa từng có, khoảng 8%. Các chi phí vượt xa các khoản vay sinh hoạt trung bình cho sinh viên ở nhiều thành phố ở Anh.


Nguồn: