Các bệnh tự miễn bao gồm từ tiểu đường loại 1 đến viêm khớp dạng thấp, viêm ruột và bệnh đa xơ cứng. Nhìn chung trong các loại bệnh này, hệ thống miễn dịch hoạt động sai và tấn công sang mô khỏe mạnh thay vì các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài.
Chỉ riêng tại Vương quốc Anh, ít nhất 4 triệu người đã phát triển các bệnh tự miễm, nhiều người trong số đó bị cùng lúc nhiều hơn một bệnh tự miễn. Trên thế giới, các nhà khoa học ước tính rằng số ca mắc bệnh tự miễn hiện nay cao hơn trước đây từ 3% đến 9% một năm. Hầu hết các nhà khoa học tin rằng các yếu tố môi trường và lối sống là nguyên nhân làm tăng số ca bệnh.
“Số ca bệnh tự miễn bắt đầu tăng khoảng 40 năm trước ở phương Tây. Tuy nhiên, hiện nay số ca bệnh bắt đầu tăng ở cả các quốc gia chưa từng có bệnh này trước đây," James Lee, chuyên gia về bệnh tự miễn, người đứng đầu một nhóm nghiên cứu, nói. "Ví dụ, số ca bệnh viêm ruột - một loại bệnh tự nhiễm - đang tăng ở Trung Đông và Đông Á, trong khi trước đây gần như không xuất hiện ở khu vực này."
“Di truyền học của con người không thay đổi trong vài thập kỷ qua. Vì vậy, phải có các yếu tố môi trường và lối sống đang thay đổi theo cách đang làm tăng khuynh hướng mắc bệnh tự miễn dịch," Lee nói.
Viêm khớp dạng thấp, một trong những bệnh tự miễn dịch đang gây lo ngại trên toàn thế giới.
Vinuesa cho rằng một yếu tố quan trọng là thay đổi trong chế độ ăn uống: ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng chế độ ăn kiểu phương Tây, với nhiều thức ăn nhanh và chế biến sẵn. “Chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh thiếu một số thành phần quan trọng, chẳng hạn như chất xơ, và đã có bằng chứng cho thấy chế độ ăn này ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật ở người - tập hợp các vi sinh vật có trong ruột và đóng vai trò quan trọng đối với các chức năng khác nhau của cơ thể,” Vinuesa nói. “Những thay đổi trong hệ vi sinh vật sau đó gây ra các bệnh tự miễn."
Nhưng một tác nhân quan trọng đằng sau bệnh tự miễn là sự nhạy cảm của từng cá nhân. “Nếu không có một số yếu tố nhạy cảm di truyền nhất định, bạn sẽ không mắc bệnh tự miễn, bất kể chế độ ăn thế nào," Vinuesa cho biết. Do đó, các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu các cơ chế di truyền khiến một số người dễ mắc bệnh và những người khác thì không, từ đó xác định các nhóm có nguy cơ mắc bệnh tự miễn cao và cần thay đổi lối sống.
Đây là vấn đề cần đến các kỹ thuật hiện DNA hiện đại, giúp xác định chính xác những khác biệt DNA rất nhỏ giữa một nhóm lớn các cá thể. Bằng kỹ thuật này, các nhà khoa học có thể xác định các mẫu hình di truyền chung của những người mắc bệnh tự miễn dịch. “Kỹ thuật giải trình tự DNA trên quy mô lớn là một bước ngoặt. Chẳng hạn, khi tôi bắt đầu nghiên cứu, chúng ta chỉ biết khoảng 6 biến thể DNA liên quan đến bệnh viêm ruột. Bây giờ chúng ta đã biết hơn 250 biến thể," Lee cho biết.
Các nghiên cứu giải trình tự này nhằm mục đích tìm ra cơ chế hoạt động của nhiều bệnh tự miễn khác nhau. “Nếu bạn nhìn vào một số bệnh tự miễn - ví dụ như lupus, làm cho hệ thống miễn dịch tấn công nội tạng - có thể thấy gần đây có rất nhiều phiên bản khác nhau của bệnh, do các con đường di truyền khác nhau gây ra," Vinuesa cho biết. Và mỗi nguyên nhân gây bệnh lại cần một cách can thiệp khác nhau.
Lee cũng nhấn mạnh rằng các các bệnh tự miễn ngày nay chưa có thuốc điều trị dứt điểm, và người bệnh thường phải phẫu thuật hoặc tiêm thuốc thường xuyên suốt đời. Số ca mắc bệnh tự miễn dịch ngày càng gia tăng trên khắp thế giới đồng nghĩa với việc cần sớm tìm ra các phương pháp điều trị và thuốc mới.
Nguồn: