Hiện nay, nhiều người sử dụng miếng dán tẩy trắng răng với mục đích làm cho nụ cười trở nên tươi sáng hơn, nhưng sản phẩm này cũng có một số tác dụng phụ và gây tổn thương răng.
Trong một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Sinh hóa và Sinh học Phân tử Mỹ (ASBMB) vào đầu tháng 4/2019, Kelly Keenan – phó giáo sư hóa học tại Đại học Stockton – phát hiện hợp chất hydrogen peroxide (H2O2) có trong các miếng dán làm trắng răng gây tổn thương cho lớp ngà răng. Hợp chất này có mức độ oxy hóa cao nên hiện nay thường được dùng trong các máy khử trùng hoặc để làm sáng màu tóc.
Răng người được tạo thành từ ba lớp khác nhau: lớp men răng ngoài cùng, lớp ngà răng bên dưới và phần tủy răng ở trung tâm chứa các dây thần kinh, mạch máu. Men răng chứa ít protein, trong khi đó ngà răng [chiếm phần lớn thể tích răng] có hàm lượng protein cao, chủ yếu là collagen.
“Trước đây, các nghiên cứu về mức độ an toàn của hydrogen peroxide trong sản phẩm làm trắng chủ yếu chỉ được đánh giá trên lớp men răng. Tuy nhiên, hóa chất này cũng có khả năng xâm nhập qua lớp men răng và chạm tới ngà răng, mặc dù với lượng rất nhỏ”, Edmond Hewlett, phát ngôn viên của Hiệp hội Nha khoa Mỹ, cho biết.
Để tiến hành thí nghiệm, các nhà khoa học dùng miếng dán tẩy trắng [thành phần chính là hydrogen peroxide] dán lên một số chiếc răng nhổ từ tử thi. Sau khi để miếng dán trên răng một giờ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, họ ngâm răng vào nước bọt nhân tạo và rửa sạch chúng nhằm mô phỏng những gì răng phải trải qua trong khoang miệng. Nhóm nghiên cứu theo dõi mức độ collagen và các protein khác còn lại trong lớp ngà răng, sau đó so sánh với một nhóm răng kiểm soát không được tẩy trắng, cũng như một nhóm răng khác được tẩy trắng ba lần.
Kết quả cho thấy, răng được làm trắng một lần bằng miếng dán có ít collagen và các protein khác hơn so với răng không tẩy trắng. Nguyên nhân là do protein trong ngà răng bị phân hủy thành các phân tử nhỏ hơn khi tiếp xúc với hydro peroxide. Những chiếc răng được tẩy trắng ba lần thậm chí còn có lượng collagen ít hơn nữa.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy, hàm lượng hydro peroxit có trong miếng dán làm trắng răng đủ để làm cho thành phần protein collagen ban đầu trong ngà răng bị phá hủy”, Keenan cho biết. Hiện tại, nhóm nghiên cứu chưa xác định được liệu tổn thương răng có tồn tại lâu dài hoặc có cách nào đảo ngược nó hay không.
Hiệp hội Nha khoa Mỹ khuyến cáo rằng, khi sử dụng sản phẩm làm trắng răng, chúng ta nên tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tốt nhất là nên xin ý kiến tư vấn của các nha sĩ. Miếng dán làm trắng răng có thể gây ra một số tác dụng phụ, phổ biến nhất là khiến răng bị ê buốt và kích ứng nướu nhẹ - những hiện tượng này thường kéo dài trong vài ngày. Việc lạm dụng miếng dán tẩy trắng cũng dễ làm hỏng răng do gây mất nước và khử khoáng trong thân răng. Nếu vô tình nuốt phải, chất tẩy trắng răng có thể gây kích ứng cổ họng, dạ dày và gây buồn nôn.
Quốc Lê (Theo IFL Science)