Trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021, cúm mùa gần như biến mất khỏi phần lớn thế giới, nhưng có thể nó sẽ bùng phát trở lại trong thời gian tới, khi các nước nới lỏng các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

Cúm mùa thường lấy đi sinh mạng của 290.000–650.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Nhưng trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021, bệnh này gần như biến mất khỏi phần lớn thế giới. FluNet, công cụ theo dõi dữ liệu virus học toàn cầu về bệnh cúm do Tổ chức Y tế Thế giới duy trì, cho thấy tỷ lệ xét nghiệm dương tính với cúm mùa gần như không biến động kể từ tháng 4/2020.

Ảnh minh họa

Nghỉ giải lao

Mỹ chỉ ghi nhận 646 ca tử vong do cúm trong mùa cúm 2020 - 2021, trong khi trung bình các mùa cúm trước là hàng chục nghìn ca. Úc cho đến nay không có trường hợp tử vong do cúm mùa vào năm 2021, những năm trước thường ghi nhận 100 đến 1.200 ca.

Trong gần hai năm trở lại đây, bệnh cúm không bùng phát, cho dù các biện pháp giãn cách và phòng ngừa COVID-19 không được áp dụng liên tục. Nguyên nhân có thể do du lịch quốc tế bị hạn chế. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các sự kiện gieo mầm bệnh cúm đến các quốc gia khác nhau, theo Richard Webby tại Bệnh viện Nhi St.Jude, Memphis, Tennessee. Ngoài cúm, các biện pháp ứng phó với COVID dường như cũng đã ngăn chặn một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác, bao gồm cả những bệnh gây viêm phổi, viêm màng não và liên quan đến nhiễm trùng huyết.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý, dịch cúm vẫn tiếp tục lưu hành ở mức độ thấp ở các vùng nhiệt đới, vì vậy có thể sẽ lây lan sang các vùng khác trong thời gian tới khi các biên giới mở cửa trở lại.

Và một số loại virus cúm mùa đông điển hình đã bùng phát trở lại trái mùa. Các ca nhiễm cúm do các loại virus corona thường thấy ở người và virus parainfluenza gây ra đã tăng mạnh trở lại về mức trước COVID-19 vào mùa xuân năm 2021 - thông thường, các virus này chỉ bùng phát vào mùa đông. Tương tự, số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) - thường gây ra các triệu chứng cảm nhẹ nhưng cũng là nguyên nhân của khoảng 5% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới - đã ở mức thấp kỷ lục trong suốt một năm nhưng bắt đầu có dấu hiệu bùng phát trở lại vào tháng 4/2021, muộn hơn lệ thường vài tháng. Số ca nhiễm RSV vẫn đang tăng, tính đến cuối tháng 8.

Bùng phát trái mùa

Theo một báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tình trạng bùng phát trái mùa có thể liên quan đến việc trường học mở cửa trở lại, cùng với việc nhóm dân số trẻ sơ sinh trở nên nhạy cảm hơn do hạn chế phơi nhiễm với mầm bệnh trong suốt thời gian giãn cách.

Các mức đỉnh lây nhiễm RSV trái mùa cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia khác, bao gồm Nam Phi, Nhật Bản, Úc và Hà Lan. Riêng ở Tây Úc, đỉnh RSV xảy ra trái mùa vào tháng 12/2020 vàcaohơn 2,5 lần so với đỉnh tháng 7/2019. Nhìn chung, việc dịch bùng phát không nhất thiết đi đôi với số ca nhiễm nhiều hơn các năm trước. Nhưng Robert Ware, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Griffith ở Queensland, Úc, lưu ý, vì dịch bùng phát, “các ca nhiễm xảy ra gần nhau nên sẽ gây căng thẳng cho các nguồn lực y tế".

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rất có thể sẽ xuất hiện các đợt bùng phát và đỉnh dịch trái mùa, vì các biện pháp giãn cách và phòng ngừa khiến cho nhiều người chưa tiếp xúc và phát triển miễn dịch với cúm mùa năm nay. Theo Amber Winn, nhà dịch tễ học thuộc Bộ phận Bệnh virus của CDC ở Atlanta, Georgia, trên khắp thế giới đang có những dấu hiệu lưu hành virus cúm H3N2, H1N1 và cúm B. Winn lưu ý, một đợt lây nhiễm cúm B vào mùa đông năm 2019 - 2020 đã góp phần vào số ca tử vong do cúm ở trẻ em cao kỷ lục trong mùa đó, "vì thế việc chủng ngừa cúm trong mùa năm nay có thể đặc biệt quan trọng".

Nguồn: