Các nhà nghiên cứu đã xác định được một loạt các yếu tố nguy cơ gây ra chứng mất trí nhớ khởi phát sớm, xảy ra ở người trẻ. Những phát hiện này thách thức quan điểm trước đây cho rằng di truyền là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng này, đặt nền móng cho các chiến lược phòng ngừa mới.
Nghiên cứu quy mô lớn đã xác định được 15 yếu tố nguy cơ, tương tự như các yếu tố gây ra chứng mất trí nhớ khởi phát muộn. Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có thể giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ khởi phát ở người trẻ bằng cách nhắm vào các yếu tố sức khỏe và lối sống.
Tương đối ít nghiên cứu được thực hiện về chứng mất trí nhớ khởi phát ở người trẻ, mặc dù trên toàn cầu có khoảng 370.000 ca bệnh này mỗi năm.
Nghiên cứu mới của Đại học Exeter và Đại học Maastricht đã theo dõi hơn 350.000 người dưới 65 tuổi trên khắp Vương quốc Anh từ nghiên cứu Biobank của Vương quốc Anh. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá một loạt các yếu tố nguy cơ, từ khuynh hướng di truyền đến lối sống và ảnh hưởng của môi trường.
Nghiên cứu tiết lộ rằng trình độ học vấn chính quy thấp hơn, tình trạng kinh tế xã hội thấp hơn, biến đổi di truyền, các yếu tố lối sống như rối loạn sử dụng rượu và cách ly xã hội, các vấn đề sức khỏe bao gồm thiếu vitamin D, trầm cảm, đột quỵ, suy giảm thính lực và bệnh tim đều là các yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát chứng mất trí nhớ ở người trẻ.
Giáo sư David Llewellyn của Đại học Exeter nhấn mạnh tầm quan trọng của những phát hiện này, nói rằng: "Nghiên cứu mang tính đột phá này minh họa vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế và dữ liệu lớn trong việc nâng cao hiểu biết của chúng ta về chứng mất trí nhớ. Vẫn còn nhiều điều phải học hỏi để xác định và điều trị chứng mất trí nhớ".
"Đây là nghiên cứu lớn nhất và mạnh mẽ nhất thuộc loại này từng được thực hiện. Thật thú vị, lần đầu tiên có nghiên cứu tiết lộ rằng chúng ta có thể hành động để giảm nguy cơ mắc phải tình trạng mất trí nhớ khởi phát sớm, thông qua việc nhắm mục tiêu vào một loạt các yếu tố khác nhau".
Tiến sĩ Stevie Hendriks - nhà nghiên cứu tại Đại học Maastricht, cho biết: “Chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm ở người trẻ có ảnh hưởng rất nghiêm trọng, bởi những người bị ảnh hưởng thường vẫn còn công việc, con cái và cuộc sống bận rộn. Nguyên nhân thường được cho là do di truyền, nhưng đối với nhiều người, chúng tôi thực sự không biết chính xác nguyên nhân là gì. Đây là lý do tại sao chúng tôi cũng muốn điều tra các yếu tố nguy cơ khác trong nghiên cứu này".
Sebastian Köhler - giáo sư dịch tễ học thần kinh tại Đại học Maastricht, cho biết: "Chúng tôi đã biết từ nghiên cứu trên những người già mắc chứng mất trí nhớ rằng có một loạt yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Ngoài các yếu tố thể chất, sức khỏe tâm thần cũng đóng một vai trò quan trọng, bao gồm tránh căng thẳng mãn tính, cô đơn và trầm cảm. Thực tế là điều này cũng thể hiện rõ ở bệnh mất trí nhớ khởi phát ở người trẻ, khiến tôi ngạc nhiên và nó cũng có thể mang đến cơ hội giảm thiểu rủi ro cho nhóm người trẻ".
Tiến sĩ Leah Mursaleen - Trưởng phòng Nghiên cứu Lâm sàng tại Tổ chức Nghiên cứu bệnh Alzheimer ở Anh, cho biết: "Nghiên cứu tiên phong này làm sáng tỏ những yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ khởi phát ở người trẻ. Điều này bắt đầu lấp đầy một lỗ hổng quan trọng trong kiến thức của chúng ta. Điều quan trọng là phải tiếp tục phát triển những phát hiện này trong các nghiên cứu rộng hơn".
Nghiên cứu được công bố trênJAMA Neurology.
Nguồn:
https://medicalxpress.com/news/2023-12-young-onset-dementia-health-lifestyle-factors.html