Chữa bệnh bằng hương liệu (Aromatherapy) là một lĩnh vực có lịch sử lâu dài và đang phát triển trên thế giới. Người ta dùng thực vật có hương liệu hay dùng hương liệu chiết xuất từ thực vật để bôi tại chỗ, xoa bóp, hít thở, xông hơi hay đôi khi để uống...nhằm mục đích chữa bệnh hay để cải thiện tâm sinh lý cho người bệnh.
Những ứng dụng kiểu trên được biết đến từ thời cổ đại ở Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và Trung Quốc.
Nhà sinh hoá học người Áo, Marguérite Maury đã sử dụng tinh dầu thơm để massage và lần đầu tiên áp dụng trong điều trị lâm sàng tại Anh, vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước.
Ngoài ra, bác sĩ phẫu thuật người Pháp, Jean Valnet còn sử dụng tinh dầu dược liệu để sát trùng vết thương cho thương binh trong Thế chiến hai.
Mỗi loại tinh dầu thơm thường chứa nhiều hợp chất hoá học khác nhau. Chúng được bảo quản trong các chai thuỷ tinh có màu. Đó có thể là tinh dầu hoa hồng, tinh dầu hoa nhài, tinh dầu bưởi, tinh dầu Cúc La Mã (Matricaria chamomilla), tinh dầu Hương thảo (Rosmarinus officinalis), tinh dầu hoa Oải hương (Lavandula angustifolia)… Các loại nguyên liệu được đưa vào cùng với nước, sau đó đun sôi và ngưng lạnh để thu nhận tinh dầu.
Cách sử dụng tinh dầu cần lưu ý các điểm sau đây: Không dùng đường uống khi không có chỉ định, không để tiếp xúc với mắt, không để trong tầm tay trẻ em, không dùng nồng độ cao với da, cần thử chút ít lên da trước khi sử dụng.
Tinh dầu và tác dụng
Tinh dầu thơm được dùng khi massage, khi hoà nước tắm, khi xông hơi (qua mũi), trong dầu gội đầu, trong kem bôi mặt, trong nước xúc miệng, trong chườm nóng hay lạnh…
Tinh dầu Bạch chỉ (Angelica) mùi thơm được thu nhận từ rễ và hạt của khoảng 30 loài trong chi Bạch chỉ. Có tác dụng chữa cảm lạnh và chống viêm nhiễm đường hô hấp.
Tinh dầu hạt Cần tây (Apium graveolens) được dùng để chế tạo tinh dầu massage: Lấy 4 giọt tinh dầu Cần tây, 3 giọt tinh dầu Bách xù (Juniperberry Oll), 3 giọt tinh dầu chanh và pha với 20ml tinh dầu hạt nho ( không sử dụng khi mang thai).
Tinh dầu gỗ cây Hoàng đàn đen Brazil (Dalbergia nigra) dùng làm mỹ phẩm để chăm sóc da.
Nhựa thơm Nhũ hương (một loại nhựa thơm được lấy từ nhiều loài thuộc chi Boswellia, đặc biệt là B. sacra, B. frereana, B. serrata, và B. papyrifera). Được dùng để điều trị hen suyễn, cảm lạnh, viêm phế quản…
Tinh dầu cây Cúc tâm tư , còn gọi là Cúc Kim tiền (Calendula officinalis) được dùng để điều trị da khô, nứt nẻ, phát ban, giãn tĩnh mạch, chàm eczema…
Tinh dầu cây Hoàng lan hay Ngọc lan tây, ylang-ylang hoặc Ylang công chúa (Cananga odorata var.genuina) dùng để chống trầm cảm, lo âu...
Tinh dầu cây Tuyết tùng (Cedrus atlantica) dùng để sát trùng, chống tiết bã nhờn, chống mụn trứng cá, chống da nhờn, trị gầu...
Tinh dầu Cúc Quả hương (Chamaemelum nobile) dùng để làm dịu thần kinh, hỗ trợ giấc ngủ, sát trùng, chống viêm...
Tinh dầu lá Quế (Cinnamomum zeylanicum) pha loãng 1% dùng để kích thích tiêu hoá, chống đầy hơi và nhiễm trùng đường tiêu hoá, kích thích hệ thống hô hấp và tuần hoàn, chống thấp khớp...
Tinh dầu Chanh ta (Citrus aurantifolia) hỗ trợ ngon miệng, khắc phục hội chứng khó tiêu, có tác dụng sát trùng, chống sốt, cảm cúm, nhiễm trùng phổi , viêm họng...
Cam chua (Citrus aurantium var. amara) là loài lai giữa bưởi và quít hồng, tinh dầu Cam chua có tác dụng khắc phục tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi, co thắt dạ dày. Kem chứa tinh dầu Cam chua có tác dụng làm mềm da, khắc phục vết nhăn, làm dịu đối với da nhạy cảm....
Tinh dầu Chanh thơm (Citrus bergamia) có tác dụng sát trùng đối với mụn trứng cá, nhọt, chống da nhờn, chàm eczema, vẩy nến, vết côn trùng đốt...
Tinh dầu Chanh tây (Citrus limon) có tác dụng chống cảm lạnh, cảm cúm, loét miệng, viêm họng, trứng cá, mụn cóc, cao huyết áp, giãn tĩnh mạch...
Tinh dầu Quýt hồng (Citrus reticulata) có tác dụng chống nấc cục, bệnh gan, da dầu, mụn trứng cá, tắc nghẽn lỗ chân lông...
Tinh dầu Bưởi chùm hay Bưởi đắng (Citrus x paradisi) có tác dụng lợi tiểu, thải độc và làm sạch thận, kích thích tác dụng của hệ thống bạch huyết…
Tinh dầu của cây Một dược (Commiphora myrrha) có tác dụng chống da nứt nẻ, loét miệng, chàm eczema…
Tinh dầu của cây Rau mùi (Coriandrum sativum) có tác dụng chống mệt mỏi, đau đầu, viêm khớp, thấp khớp, đau cơ, kích thích tuần hoàn…
Tinh dầu cây Bách Địa Trung Hải (Cupresses sempervirens) có tác dụng chống co thắt, chống viêm phế quả, hen suyễn, ho…
Tinh dầu cây Sả chanh (Cymbopogon citratus) có tác dụng hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống nhiễm khuẩn, chống đau đầu, đau cơ, chống stress…
Tinh dầu cây Sả Ấn Độ (Cymbopogon martinii var. martinii) có tác dụng chống da khô, da nhăn, mụn trứng cá…
Tinh dầu Sả Siri Lanka (Cymbopogon nardus) có tác dụng chống bệnh nấm da, chân ra mồ hôi, chống côn trùng trong nhà (dung cách phun sương), bảo vệ quần áo trong tủ…
Tinh dầu của cây Tiểu đậu khấu (Elettaria cardamonum) có tác dụng lợi tiểu, chống đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, ợ nóng, đầy bụng, buồn nôn, khó thở…
Tinh dầu của cây Bạch đàn xanh hay Khuynh diệp cầu (Eucalyptus globulus) có tác dụng lợi tiểu, khử mùi, kháng virút, chống ho, cảm lạnh, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm xoang, thấp khớp, đau nhức cơ, viêm xơ cơ…
Tinh dầu cây Tiểu hồi hương (Foeniculum vulgare) có tác dụng lợi sữa, lợi tiểu, sát trùng, chống nhiễm khuẩn đường tiết niệu, giúp đào thải chất độc khỏi cơ thể.
Tinh dầu cây Thần hương thảo (Hyssopus officinalis) có tác dụng chống ho, nhiễm khuẩn đường hô hấp, huyết áp thấp, khó tiêu, đau bụng…
Tinh dầu cây Thích bách (Juniperus communis) có tác dụng lợi tiểu, chống viêm khớp dạng thấp, viêm bàng quang, mụn trứng cá, chàm eczema, rụng tóc…
Tinh dầu cây Nhài thuốc hay Hoa tố phương (Jasminum officinale) có tác dụng chống bất lực nam và lãnh cảm nữ, đau bụng kinh, trầm cảm, stress, viêm khớp, lão hoá da…
Tinh dầu cây Oải hương (Lavendula augustifolia) có tác dụng sát trùng, giảm đau khi xử lý các vết thương, vết bỏng, vết côn trùng đốt. Còn có tác dụng chống cảm lạnh, cúm, huyết áp thấp, co thắt tiêu hóa…
Tinh dầu cây Tràm trà (Melaleuca alternifolia) có tác dụng chống cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, chống gầu, mụn trứng cá, mụn cơm, nốt phát ban, nhiễm trùng vùng sinh dục, giúp hình thành sẹo…
Tinh dầu cây Tía tô đất (Melissa officinalis) có tác dụng giảm huyết áp, chống sốc, giúp điều hoà kinh nguyệt, giảm chuột rút, giảm co thắt tiêu hoá, chống nôn, giảm đau nửa đầu…
Tinh dầu cây Bạc hà Âu (Mentha piperita) có tác dụng giảm chứng khó tiêu, đầy hơi, co thắt, tiêu chảy, buồn nôn, co rút dạ dầy, say tàu xe, tác động tốt đến gan, ruột và hệ thần kinh…
Tinh dầu cây Húng quế (Ocimum basilicum) có tác dụng diệt khuẩn, chống cảm lạnh, đau đầu, ho gà, làm giảm đau bụng, khó tiêu, nôn mửa. Do tác dụng lên sự mỏi mệt của cơ nên dùng để massage là rất thích hợp…
Tinh dầu cây Mặc giác lan (Origanum marjorana) có tác dụng giải toả áp lực thần kinh, giúp dễ ngủ, khắc phục chứng đau đầu và đau nửa đầu, diệt vi khuẩn và virút cho nên có tác dụng chống cảm lạnh và các bệnh nhiễm khuẩn .
Tinh dầu cây Thiên trúc quỳ (Pelargonium graveolens) có tác dụng làm cân bằng hệ thần kinh, giảm sự lãnh đạm, lo lắng, buồn phiền, stress, hiếu động thái quá, chống viêm khớp, bỏng, phát ban, chàm eczema, loét miệng…
Tinh dầu cây Mùi tây (Petroselinum sativum) có tác dụng lợi tiểu, điều hoà kinh nguyệt, làm co các mạch máu nhỏ, giúp chữa viêm tấy, co thắt dạ dày, khó tiêu, thấp khớp…
Tinh dầu cây Thông Scotland (Pinus sylvestris) có tác dụng diệt vi khuẩn, virút, chống nhiễm khuẩn đường hô hấp, khắc phục viêm xoang, kích thích hệ thống tuần hoàn, chống thấp khớp, đau nhức và cứng khớp…
Tinh dầu hạt tiêu đen (Piper nigrum) có tác dụng chống viêm khớp, thấp khớp, đau cơ, tăng cường hệ thống miễn dịch, kích thích tình dục…
Tinh dầu cây Hoắc hương (Pogostemon cablin) có tác dụng chống viêm, nứt nẻ da, lợi tiểu, chống buồn phiền, lo âu, stress, kiệt sức, giảm ham muốn tình dục, chống mụn trứng cá, chàm eczema, bệnh nấm da…
Tinh dầu hoa hồng (Rosa centifolia, Rosa damascea) có tác dụng điều hoà kinh nguyệt, chống trầm cảm sau sinh, kháng vi khuẩn và virút, ảnh hưởng tốt lên hoạt động của tim, gan, dạ dày, tử cung, thải độc cho máu và các cơ quan khác, chống viêm da, nứt nẻ, dị ứng…
Tinh dầu cây Hương thảo (Rosmarinus officinalis) có tác dụng kích thích tuần hoàn, chống huyết áp thấp, mỏi cơ, đau nhức, căng thẳng, trầm cảm, chống gầu, trứng cá, chàm eczema, rụng tóc. Còn có tác dụng lợi tiểu, chống vi khuẩn, virút, giữ nước, chống đau kinh nguyệt, bụng đầy hơi, khó tiêu, táo bón, giảm đau đầu, ho, cảm lạnh…
Tinh dầu gỗ Đàn hương trắng (Santalum album) có tác dụng chống vi khuẩn , chống rối loạn tiết niệu, viêm bàng quang, viêm phế quản, ho khan, viêm họng, chống côn trùng, giảm co thắt đường tiêu hoá, giảm viêm, khắc phục tình trạng giữ nước, khắc phục trạng thái da khô, nứt nẻ, trứng cá, chàm eczema, vẩy nến. Ngoài ra còn có tác dụng chống trầm cảm, thiếu ham muốn tình dục…
Cánh kiến trắng là nhựa của vỏ thân cây thuộc chi Styrax (Styrax benzoin), có tác dụng chống cảm lạnh, cúm, giúp làm dịu họng và phục hồi tình trạng mất giọng, làm giảm viêm da, nứt nẻ da, chống nhiễm khuẩn đường tiết niệu, giảm viêm khớp, thấp khớp, giúp giải toả cảm giác khủng hoảng, cô đơn, xua tan trầm cảm, lo âu, căng thẳng đầu óc…
Tinh dầu Cỏ Xạ hương (Thymus vulgaris) có tác dụng chống nhiễm khuẩn, nhất là đối với dạ dày và bàng quang, hỗ trợ tiêu hoá và lợi tiểu, chống viêm khớp, thấp khớp, gút, đau cơ, thiểu năng tuần hoàn, chống cảm lạnh, cúm, làm giảm ho, làm lành vết thương, vết bỏng, áp xe, dùng làm nước súc miệng, khắc phục stress, phiền muộn, đau đầu…
Tinh dầu cỏ Hương bài (Vetiveria zizanioides) dùng để tắm, massage, giúp giảm stress, lo âu, căng thẳng đầu óc, mất ngủ, giúp bình an sau khi bị sốc. Còn có tác dụng kích thích tuần hoàn , chống viêm khớp, thấp khớp, đau nhức cơ, chống lão hoá da, trứng cá…
Tinh dầu Gừng ( Zingiber officinale) có tác dụng chống viêm khớp, thấp khớp, đau cơ, tăng cường tuần hoàn. Nước gừng pha loãng giúp hỗ trợ tiêu hoá, kích thích ngon miệng, chống ỉa chảy, chống cảm lạnh, cúm, viêm họng, giúp giảm ho, thoát mồ hôi, chống rối loạn tâm thần, mệt mỏi, kiệt sức.
Khi sử dụng hương liệu chữa bệnh cần lưu ý: ngoài việc dùng ngoài như xoa bóp, hít thở, massage, ngâm chân… thì việc sử dụng đường uống cần có sự hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc, bởi vì nhiều loại với liều lượng không thích hợp có thể dẫn đến nguy hại cho cơ thể. Trong số các hương liệu nói trên có những loại chưa thấy có ở Việt Nam. Việc di thực các giống cây hương liệu này vào nước ta là chuyện rất đáng thực hiện. Với các hương liệu có sẵn ở trong nước cần quy hoạch nơi sản xuất và tăng cường nghiên cứu để chế biến thành sản phẩm, giống như các loại dầu Khuynh diệp, dầu Phật linh, dầu Bạc hà, dầu Quế, dầu Pomelo (dưỡng tóc), cao Sao vàng…