Theo một nghiên cứu mới của Đại học Y khoa Washington ở St. Louis, việc uống một ly rượu mỗi ngày cũng hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe như chúng ta vẫn nghĩ.

Hình minh họa. Nguồn: Comugnero Silvana / Fotolia

Hình minh họa. Nguồn: Comugnero Silvana / Fotolia

Phân tích dữ liệu của hơn 400.000 người tham gia cuộc khảo sát, các nhà khoa học phát hiện ra, rằng nếu uống từ một đến hai ly rượu mỗi ngày với tần suất trên 4 lần/tuần (được coi là có lợi cho sức khỏe) thì nguy cơ tử vong sớm có thể sẽ tăng đến 20% so với việc chỉ uống khoảng 3 lần/tuần hoặc ít hơn thế. Ngoài ra, tỷ lệ này cũng không có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi.

Trước đây, một số nghiên cứu từng chỉ ra, rằng uống rượu điều độ có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, nhưng ngay cả như vậy thì lợi ích thu được cũng không là gì so với những rủi ro mà nó mang lại - bác sĩ Sarah M. Hartz, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định. Cụ thể, khi thực hiện một cuộc đánh giá về các nguy cơ gây bệnh tim mạch và ung thư đối với những người có thói quen uống rượu điều độ, Hartz cùng các cộng sự nhận thấy: trong một số trường hợp, thói quen này có thể tốt cho tim mạch, song lại làm tăng nguy cơ mắc ung thư cùng tỷ lệ tử vong.

Trong một công bố trên Tạp chí The Lancet, dựa vào dữ liệu thu thập từ hơn 700 viện nghiên cứu lớn nhỏ trên khắp thế giới, với đối tượng bao gồm cả những người uống nhiều (quá mức) lẫn uống ít rượu, các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng rượu hoàn toàn có hại cho cơ thể. Trong khi đó, nhóm của Hartz lại chỉ tập trung vào những đối tượng có thói quen uống rượu ở mức vừa phải (từ 1 đến 2 ly mỗi ngày) - vốn chiếm tỷ lệ khá lớn ở Mỹ, và chia họ thành hai nhóm nhỏ: 340.668 người trong độ tuổi 18 - 85 (số liệu từ Khảo sát Phỏng vấn Sức khỏe Quốc gia NHIS) và 93.653 bệnh nhân khoảng từ 40 đến 60 tuổi - hiện đang điều trị ngoại trú tại các phòng khám của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ.

Hartz cho biết: “20% là một con số đáng kể, nhất là ở người lớn tuổi, vì bản thân họ vốn cũng đã nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong cao. Khi cơ thể già đi, dù vì bất cứ lý do nào thì nguy cơ tử vong cũng vì thế mà tăng lên. Cho nên 20% đối với tuổi 75 thì nghiêm trọng hơn rất nhiều so với 20% ở tuổi 25." Vì vậy, Hartz khuyến nghị, rằng khi điều trị cho từng đối tượng cụ thể, bác sĩ có thể khuyên những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch (liên quan đến gia đình) nên thỉnh thoảng uống một chút rượu; còn trong trường hợp bị ung thư thì nên tránh xa cồn. Nhưng nhìn chung, chúng ta không nên coi uống rượu điều độ là một thói quen tốt cho sức khỏe - Hartz nhấn mạnh.

Nguồn:https://www.sciencedaily.com/releases/2018/10/181003102732.htm