Trong kịch bản lạc quan thì cũng phải đến cuối năm nay, thử nghiệm vaccine Covid-19 của ĐH Oxford mới có đủ dữ liệu để cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa những người được chủng ngừa và những người không được chủng ngừa.
GS Andrew Pollard, giám đốc của Oxford Vaccine Group, cho biết, nhóm “có thể” sẽ thu thập đủ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng về vaccine Covid-19 để đưa ra trước các cơ quan quản lý trong năm nay.
Còn theo GS Chris Whitty, cố vấn y tế Chính phủ Anh, có thể phải đến mùa đông năm sau vaccine của Đại học Oxford mới sẵn sàng.
Một nhà hóa học của AstraZeneca, công ty hợp tác sản xuất vaccine với Oxford, tại phòng thí nghiệm.
“Tôi nghĩ rằng Chris Whitty khá đúng khi tỏ ra thận trọng, có thể sẽ mất chừng đó thời gian để chứng minh vaccine hoạt động hiệu quả và an toàn, rồi trải qua các quy trình của các cơ quan quản lý," Pollard nói với BBC. “Nhưng cũng có khả năng là các ca nhiễm sẽ xuất hiện nhanh chóng trong các thử nghiệm lâm sàng [trong thử nghiệm vaccine, cần xuất hiện nhiều ca nhiễm ở nhóm được cho giả dược hơn so với nhóm tiêm vaccine để chứng minh vaccine có hiệu quả - PV], và chúng tôi sẽ có đủ dữ liệu để đưa ra trước các cơ quan quản lý trong năm nay, sau đó họ có thể thực hiện quy trình đánh giá dữ liệu."
Có nghĩa là ngay cả trong kịch bản lạc quan cũng không tồn tại khả năng vaccine được cấp phép trong năm nay. Mốc thời gian còn phụ thuộc vào các thử nghiệm ở các nước có tỷ lệ nhiễm cao, để có thể thấy sự khác biệt rõ ràng giữa những người được chủng ngừa và những người không được chủng ngừa.
Theo Pollard, chỉ với 1.000 người vẫn có đủ thông tin để biết liệu vaccine có tác dụng hay không, nhưng thời gian thử nghiệm sẽ mất nhiều năm. Trên thực tế, Oxford Vaccine Group đang tiến hành thử nghiệm ở Anh, Brazil và Nam Phi với tổng quy mô vào khoảng 20.000 người, đồng nghĩa với việc khoảng thời gian thử nghiệm sẽ ngắn hơn. Bên cạnh đó, AstraZeneca - công ty hợp tác với Oxford - cũng đang tiến hành thử nghiệm ở Mỹ với hy vọng có 30.000 người tham gia.
“Vì vậy, trong quá trình thử nghiệm vaccine do ĐH Oxford phát triển, chúng tôi hy vọng có thể có tổng cộng 50.000 người trở lên tham gia,” Pollard nói.
Nhưng ông nhấn mạnh rằng quy mô của thử nghiệm “không thực sự là vấn đề”, quan trọng là số ca nhiễm xuất hiện trong thử nghiệm.
Có một nguyên tắc đạo đức chung là cấm chủ động lây nhiễm một bệnh nghiêm trọng cho những người tham gia thử nghiệm. Có nghĩa là, muốn chứng minh hiệu quả của vaccine thì phải tiêm cho những người sống ở các khu vực có virus lây lan tự nhiên. Nếu các biện pháp giãn cách xã hội hoặc các yếu tố khác tiếp tục làm giảm số ca nhiễm mới, có thể thử nghiệm sẽ không chứng minh được vaccine tạo ra sự khác biệt khi nhóm được cho giả dược không có tỷ lệ nhiễm virus cao hơn so với nhóm đã được tiêm vaccine.
Nguồn: