Sau đại dịch những người trẻ tuổi trở nên căng thẳng và ít tin tưởng những người xung quanh hơn so với trước đại dịch, theo kết quả nghiên cứu mới của Mỹ.

Các sự kiện gây nguy hiểm cho xã hội, chẳng hạn như động đất hoặc bão, không làm thay đổi tính cách con người, theo các nhà nghiên cứu tâm lý. Tuy nhiên một nghiên cứu mới ở Mỹ phát hiện ra rằng đại dịch COVID-19, kèm theo cách ly không tiếp xúc xã hội thời gian dài, đã có ảnh hưởng đến tính cách con người.

“Những người trẻ tuổi trở nên ủ rũ hơn và dễ bị căng thẳng hơn, kém hợp tác và tin tưởng hơn, khả năng kiềm chế và tính trách nhiệm giảm”, theo Giáo sư Angelina Sutin tại Đại học Y khoa bang Florida, người dẫn đầu nghiên cứu mới.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Nhóm Sutin đã theo dõi tính cách của 7.109 người trước và sau đại dịch, thông qua một bài đánh giá chuyên dùng để đo lường 5 đặc điểm trong tính cách - tâm lý bất ổn, tính hướng ngoại, sự cởi mở, sự dễ chịu và sự tận tâm.

Những người tham gia, độ tuổi từ 18 đến 109, đều được đánh giá trước đại dịch, đầu đại dịch và trong đại dịch.

Đầu của đại dịch, tính từ tháng 3/2020 đến 12/2020, tính cách của nhóm tham gia nghiên cứu tương đối ổn định, không có thay đổi đáng kể so với trước đại dịch.

Nhưng đến trong đại dịch, từ năm 2021 đến 2022, có sự thay đổi tính cách. Tính trung bình trong cả nhóm tham gia, tính hướng ngoại, sự cởi mở, sự dễ chịu và sự tận tâm đều giảm so với trước đại dịch. Những người trẻ tuổi hơn bị thay đổi tính cách nhiều nhất, trong khi nhóm người lớn tuổi không bị thay đổi đáng kể.

Nguyên nhân là tính cách của những người trẻ tuổi có xu hướng dễ thay đổi hơn, đo đó cũng bị đại dịch ảnh hưởng nhiều nhất, theo suy đoán của các tác giả.

“Tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng cuộc sống của lứa tuổi thiếu niên bị gián đoạn nhiều hơn cả, họ không được đến trường, đi làm hay tham gia hoạt động xã hội và phát triển các mối quan hệ. Đó là những hoạt động này rất quan trọng đối với nhóm trẻ tuổi”, Sutin đưa giả thuyết.

Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi nhóm tham gia nghiên cứu để xem sự thay đổi tính cách là tạm thời hay dài hạn.

Giáo sư Wiebke Bleidorn, nhà tâm lý học tại Đại học Zurich, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: “Thật thú vị khi thấy hiệu ứng này. Có thể cách ly xã hội, làm mất những trải nghiệm bình thường, làm trì trệ sự phát triển ở nhóm trẻ tuổi. Sẽ rất thú vị để xem liệu những thay đổi này có kéo dài hay không”.

Các phát hiện được công bố trên tạp chí Plos One.

Nguồn: https://www.theguardian.com/world/2022/sep/28/covid-might-have-changed-peoples-personalities-study-suggests