Khi tới tuổi trưởng thành, hẳn nhiều người trong chúng ta phải trải qua nỗi đau đớn do răng khôn nhú mầm. Những cơn đau làm sưng mặt, khó ăn uống khiến chúng ta tự hỏi vì sao tiến hóa không khiến nó mất đi, như chúng ta đã rụng mất đuôi vậy.

Răng khôn mọc lệch có thể gây tổn thương răng lân cận. Nguồn: hamburgdentalcare.com
Răng khôn mọc lệch có thể gây tổn thương răng lân cận. Nguồn: hamburgdentalcare.com

Như mọi loài vượn, tổ tiên loài người có một bộ răng gồm 32 chiếc: 8 răng cửa, 4 răng nanh, 20 răng cối (tính cả 4 răng khôn mọc sau này). Ngày nay, con người hiện đại có thể mọc răng khôn hoặc không. Giống như những chiếc khác, răng khôn hình thành bên trong xương hàm, nhưng mọc muộn hơn nhiều.

Khi trẻ lên 3 tuổi, răng hàm thứ hai bắt đầu phát triển. Tới khi trẻ 9 tuổi, răng khôn mới bắt đầu hình thành, nhưng mỗi chiếc mỗi khác. Quá trình này có thể bắt đầu lúc trẻ nhỏ nhất là 5 tuổi, lớn nhất là 15 tuổi. Chúng mọc ra từ nướu khi con người trong độ tuổi từ 17 đến 24, hoặc có thể muộn hơn.

Chiếc răng nào không nhô ra khỏi nướu và mọc thẳng một cách bình thường được gọi là răng mọc lệch, mọc ngầm. Kiểu răng này có thể liên quan tới một số vấn đề bao gồm bệnh nướu răng, u nang hoặc tổn thương răng hàm thứ hai.

Dù lúc bắt đầu răng hình thành theo góc độ lệch đi chăng nữa, chúng vẫn có thể xoay và dịch chuyển vị trí khi bạn bước vào độ tuổi 20 hay 30. Răng khôn không phải là loại răng duy nhất thường xuyên mọc lệch, mà nó còn thường không thể mọc hết lên được.

Trên thế giới, ước tính có khoảng 22% người không có một hoặc nhiều chiếc răng khôn, và 24% người có răng khôn mọc lệch. Mặt khác, hơn một nửa người trên hành tinh có răng khôn mọc và hoạt động bình thường. Vậy, trong quá trình tiến hóa của loài người, răng khôn đã trở thành ẩn số như thế nào?

Vì sao răng khôn mọc lệch, mọc ngầm?

Lý do chính khiến điều này xảy ra là vì thiếu chỗ ở đằng sau răng hàm. Răng khôn phát triển và mọc lên rất muộn, nên hầu hết không gian ở đây đã bị răng hàm thứ nhất và thứ hai chiếm dụng. Vì thế răng khôn không thể mọc thẳng lên được. Một vấn đề nữa là sự phát triển hàm và chiều dài tổng thể. Nếu hàm không phát triển đủ dài, đủ nhanh, thì những chiếc răng khôn hình thành muộn không còn chỗ và chẳng thể mọc ngay hàng thẳng lối.

Vài triệu năm trước, tổ tiên họ người hominin của chúng ta có những chiếc răng hàm to đùng. Chi Vượn người phương Nam (khoảng 2-4 triệu năm trước), giống như hóa thạch Lucy, có răng hàm với bề mặt nhai gấp đôi diện tích răng của chúng ta ngày nay – dù những sinh vật này chỉ cao khoảng 91cm – 122cm, thể tích hộp sọ nhỏ hơn 1/3 so với loài Homo sapiens. Kể từ thời chi Vượn người phương Nam, kích thước răng ở loài người bắt đầu giảm dần. Khoảng 2 triệu năm trước, người Homo erectus có diện tích bề mặt răng hàm gấp 1,5 lần răng ngày nay.

Người Homo erectus đã biết dùng công cụ bằng đá để giã và nấu nhằm làm mềm thức ăn, khiến việc nhai dễ dàng hơn. 12.000 năm trước, con người bắt đầu thử nghiệm trồng trọt, và lối sống này cuối cùng tồn tại ở hầu hết xã hội. Thực vật và động vật thuần hóa, như cây lúa, lợn, bò cho chúng ta các sản phẩm để có chế độ ăn mềm hơn nhiều so với thực phẩm hoang dã. Thay vì ăn rễ cây, rau dại và thịt sống, chúng ta được ăn cơm với rau và thịt nấu chín. Cuối cùng, quá trình công nghiệp hóa sản xuất thực phẩm đã thực sự khiến bữa ăn của chúng ta mềm hẳn đi. Giờ chúng ta dễ dàng cắn ngập chiếc pizza mềm xốp, uống trà sữa và ăn bánh kẹo đủ loại. Kết quả, trong vài thập kỷ qua, có lẽ chúng ta đã không phát huy tối đa tiềm năng phát triển xương hàm.

Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều học giả đưa ra phỏng đoán rằng tình trạng răng khôn mọc lệch không phải vấn đề tiến hóa, mà là vấn đề phát triển. Các gene di truyền không hoàn toàn chi phối số phận của răng khôn. Mà đúng ra, chế độ ăn và thói quen nhai trong thời thơ ấu có thể gây tác động nhiều nhất.

Có một nghiên cứu so sánh kích thước hàm và sự hình thành răng khôn giữa các xã hội khác nhau (2011) đã ủng hộ giả thuyết này. Các nhà nghiên cứu đo hộp sọ được lưu giữ trong nhiều bảo tàng, từ sáu nhóm trồng trọt và năm nhóm tìm kiếm thức ăn. Người nông dân ăn thức ăn mềm hơn luôn có hàm ngắn hơn, điều này lại thu hẹp không gian cho răng hình thành.

Một nghiên cứu lớn hơn trên hộp sọ, sử dụng các phương pháp thống kê vào năm 2017 cũng cho ra kết luận tương tự. Các nhà nhân chủng học phát hiện những điểm khác biệt “nhỏ” nhưng đáng tin cậy giữa người tìm kiếm thức ăn và nông dân, đặc biệt là nếu nhóm nông dân sử dụng các sản phẩm từ sữa.

Nghiên cứu xem xét tình trạng răng khôn mọc lệch ở 900 người dân thành thị và nông thôn tại Nam Ấn Độ cho thấy tình trạng này diễn ra ở khoảng 15% người sống ở nông thôn, so với gần 30% người sống ở thành thị. Tại Nigeria, một bài báo khác phát hiện tỷ lệ người sống ở thành phố có răng khôn mọc lệch cao gấp bảy lần người ở nông thôn, dựa trên 2.400 người tham gia.
Một bằng chứng nữa tới từ thử nghiệm cho động vật ăn thức ăn mềm hoặc cứng, hoặc đôi khi ăn cùng chế độ ăn đồ chín và sống. Nhìn chung, họ phát hiện chế độ ăn đồ mềm dẫn tới các vấn đề răng miệng như hàm răng xô lệch, khuôn mặt nhỏ hơn và hàm kém phát triển ở chuột, khỉ đầu chó, khỉ sóc, lợn mini và chuột đá.

Vì vậy, để khắc phục vấn đề răng khôn, các nhà khoa học đã đưa ra lời khuyên cho chúng ta (tuy họ chưa thể chắc chắn về tác dụng, nhưng nếu ta thử thì cũng chẳng hại gì): Nếu vẫn trong độ tuổi phát triển, bạn có thể ăn thực phẩm giòn hơn, phải nhai nhiều lần hơn, chẳng hạn như các loại hạt và rau củ sống (cà rốt, dưa chuột). Còn nếu bạn có con, hãy khuyến khích trẻ ăn những thứ giúp vận động khớp nhá càng sớm càng tốt.

Răng khôn có phải vấn đề sức khỏe cộng đồng?

Hằng năm, trên thế giới có hàng triệu ca tiểu phẫu nhổ răng khôn. Tỷ lệ điều trị các vấn đề về răng khôn cao hơn tỷ lệ răng mọc lệch. Phải tới 1/3 số ca tiểu phẫu này là không cần thiết. Việc nhổ răng có những rủi ro riêng, bao gồm tổn thương răng lân cận, dây thần kinh, xương hàm hoặc xoang.

Răng khôn mọc bình thường sẽ không gây vấn đề cho hầu hết mọi người. Chỉ cần mỗi lần đánh răng bạn chú ý đánh kỹ những chiếc răng này là có thể tránh được sâu răng.

Còn nếu răng khôn mọc lệch thì sẽ có hai trường hợp xảy ra: nó không gây hại, hoặc nó làm tổn thương răng hàm thứ hai và vùng xương hàm xung quanh, hay gây nhiễm trùng và đau đớn. Những chiếc răng như vậy sẽ cần phải nhổ.

Vậy, nhổ răng khôn vào thời điểm nào là thích hợp? Một số bác sĩ cho rằng bạn nên nhổ sớm, ở độ tuổi 16 hoặc 17, dù những chiếc răng này vẫn có cơ may xoay lại và mọc bình thường. Mặc khác, nếu người bệnh lớn tuổi hoặc có sức khỏe kém thì việc nhổ răng khôn sẽ rất khó khăn. Một số cơ quan y tế cộng đồng cùng nha sĩ lại ủng hộ việc chờ đợi một cách thận trọng để đánh giá tình hình răng.

Răng khôn không quá cần thiết với con người hiện đại, nhưng nó cũng chẳng hề vô dụng. Chúng vẫn là công cụ ăn uống, một phần của cơ thể chúng ta, và là nghiên cứu điển hình thú vị về sự tiến hóa của văn hóa và chế độ ăn của con người có thể tác động thế nào tới sự phát triển và tăng trưởng của loài người.

Nguồn: theconversation.com, discovermagazine.com