Để tìm hiểu các cơ quan trong cơ thể trải qua thay đổi như thế nào khi nhịn ăn kéo dài, các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Đại học Chăm sóc Sức khỏe Chính xác (PHURI) thuộc Đại học Queen Mary ở London và Trường Khoa học Thể thao Na Uy đã hợp tác cùng nghiên cứu, sử dụng kỹ thuật mới đo lường hàng ngàn protein trong máu.

Kết quả cho thấy việc nhịn ăn có nhiều lợi ích ngoài giảm cân, nhưng phải sau ba ngày nhịn ăn thì những thay đổi cải thiện sức khỏe mới xuất hiện. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Metabolism.

12 tình nguyện viên khỏe mạnh được yêu cầu nhịn ăn trong vòng bảy ngày và chỉ uống nước. Họ được theo dõi chặt chẽ hằng ngày để ghi lại những thay đổi ở khoảng 3.000 protein trong máu trước, trong và sau khi nhịn ăn. Bằng cách xác định protein nào tham gia vào phản ứng của cơ thể, các nhà nghiên cứu có thể dự đoán kết quả sức khỏe tiềm tàng của việc nhịn ăn kéo dài nhờ tích hợp thông tin di truyền từ các nghiên cứu quy mô lớn.

Như dự đoán, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy cơ thể chuyển đổi nguồn năng lượng – từ glucose sang mỡ dự trữ trong cơ thể - trong vòng hai hoặc ba ngày đầu nhịn ăn. Các tình nguyện viên giảm trung bình 5,7 kg cả khối lượng mỡ và khối lượng nạc trong cơ thể. Ba ngày ăn lại sau đợt nhịn ăn, cân nặng không tăng lên – khối lượng nạc mất đi gần như được phục hồi, nhưng khối lượng mỡ giữ nguyên.

Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu quan sát được cơ thể trải qua những thay đổi rõ rệt về nồng độ protein sau khoảng ba ngày nhịn ăn – cho thấy một phản ứng trên toàn bộ cơ thể khi hạn chế hoàn toàn calorie.

Nhịn ăn có thể đem lại một số lợi ích cho sức khỏe. Nguồn: Maglara
Nhịn ăn có thể đem lại một số lợi ích cho sức khỏe. Nguồn: Maglara

Nhìn chung, 1/3 số protein được đo có thay đổi đáng kể trong quá trình nhịn ăn ở toàn bộ các cơ quan chính. Những thay đổi này diễn ra nhất quán ở mọi tình nguyện viên, song nhịn ăn còn có những đặc trưng khác ngoài giảm cân, chẳng hạn như sự thay đổi trong những protein tạo nên cấu trúc hỗ trợ cho tế bào thần kinh trong não.

Khi tham khảo chéo phát hiện này với các nghiên cứu di truyền về sự liên quan giữa các loại protein này với các căn bệnh khác nhau, nhóm tác giả ước tính được hậu quả sức khỏe do sự thay đổi của 212 hợp chất trong huyết tương khi nhịn ăn.

Chẳng hạn, họ phát hiện nhịn ăn hơn ba ngày dẫn tới giảm nồng độ protein liên kết chuyển đổi 70 (SWAP70) trong huyết tương. Nồng độ của dấu hiệu này thấp đi tương đương với nguy cơ mắc chứng viêm khớp dạng thấp giảm, các nhà nghiên cứu suy đoán rằng phát hiện này “ít nhất có thể giải thích phần nào cho việc giảm đau ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp khi nhịn ăn kéo dài”.

Ngoài ra còn có một protein điều hòa tăng oxy máu 1 (HYOU1), liên quan tới bệnh động mạch vành. Trong quá trình nhịn ăn, nồng độ của các hợp chất này dường như giảm xuống, cho thấy những giai đoạn nhịn ăn kéo dài có thể hữu ích cho sức khỏe tim mạch.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu phát hiện một số kết quả tiêu cực với sức khỏe khi nhịn ăn. Chẳng hạn, họ quan sát thấy yếu tố đông máu XI gia tăng, do đó có khả năng tăng rủi ro hình thành cục máu đông.

Claudia Langenberg, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đại học Y học Chính xác Queen Mary (PHURI), cho biết: “Đây là lần đầu chúng ta có thể thấy điều gì xảy ra ở cấp độ phân tử trên khắp cơ thể khi nhịn ăn. Khi thực hiện nhịn ăn an toàn thì đây là một phương pháp giảm cân hiệu quả. Các chế độ ăn kiêng phổ biến kết hợp ăn kiêng – chẳng hạn nhịn ăn gián đoạn – được cho là có nhiều lợi ích về sức khỏe ngoài giảm cân. Các kết quả của chúng tôi cung cấp bằng chứng cho thấy điều đó, tuy nhiên chúng chỉ rõ rệt sau ba ngày cắt hẳn calorie – muộn hơn so với suy đoán trước đây của chúng tôi”.

Nghiên cứu này mở ra các biện pháp trị liệu - đối với cả những người không thể thực hiện chế độ ăn kiêng kéo dài hoặc những chế độ ăn bắt chước nhịn ăn như chế độ ăn keto (chế độ ăn nhiều chất béo tốt và ít đường giúp cơ thể phân hủy chất béo thành các phân tử ketone).

Trong bài báo Advantages and Disadvantages of the Ketogenic Diet: A Review Article đăng trên tạp chí Cureus, các nhà nghiên cứu cho biết chế độ ăn keto đã được chứng minh là giúp giảm cân, giảm tình trạng tăng insulin trong máu và cải thiện độ nhạy insulin hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc tiểu đường điều trị bằng insulin hay thuốc hạ đường huyết đường uống có thể bị hạ đường huyết nghiêm trọng nếu không dùng thuốc đúng cách khi bắt đầu chế độ ăn này. Ngoài ra, bệnh nhân bị suy gan, viêm tụy, rối loạn chuyển hóa chất béo bẩm sinh... nên hạn chế hoặc không được theo chế độ ăn keto.

Tác dụng phụ ngắn hạn thường gặp khi bắt đầu theo chế độ ăn này được gọi là “cúm keto”, triệu chứng bao gồm mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, táo bón và khả năng vận động kém. Các triệu chứng thường hết sau vài ngày đến vài tuần khi cơ thể điều chỉnh về trạng thái ít tinh bột. Tác dụng phụ lâu dài bao gồm gan nhiễm mỡ, sỏi thận, giảm protein huyết và thiếu vitamin.

Theo nghiên cứu Traditional and Medical Applications of Fasting đăng trên tạp chí Nutrients, các tác giả đã xem xét các bằng chứng về việc nhịn ăn truyền thống và y học. Họ đưa ra kết luận là người dân không nên nhịn ăn lâu dài khi không hỏi ý kiến bác sĩ cũng như không có sự giám sát y tế. Việc tự ý thực hành các chế độ ăn uống khắc nghiệt, bao gồm có nhịn ăn, có thể dẫn tới chứng ám ảnh ăn uống thực phẩm sạch cũng như các rối loạn ăn uống khác.


Nguồn: