Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát thời gian vừa qua khác với những triệu chứng đã biết, khiến các nhà nghiên cứu phải đánh giá lại mức độ nguy hiểm của bệnh.

Tỷ lệ tử vong

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu đã khiến một số người tử vong, nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn dự kiến ​​từ dữ liệu lịch sử - và các nhà khoa học đang thở phào nhẹ nhõm. Trong số hơn 57.000 ca bệnh, 22 người đã chết, như vậy tỷ lệ tử vong vào khoảng 0,04% - thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 1-3% trong các đợt bùng phát ở Tây Phi trong vài thập kỷ qua do một chủng đậu mùa khỉ tương tự gây ra.

Nhưng tỷ lệ tử vong thực tế gần như chắc chắn cao hơn so với ước tính hiện tại. Nhiều quốc gia, gồm cả châu Phi, có thể không ghi nhận được tất cả các trường hợp tử vong trong đợt bùng phát này vì quá ít nguồn lực để xét nghiệm và truy vết. Và tỷ lệ tử vong có thể sẽ tăng, nếu virus lây lan ở những người có nguy cơ mắc bệnh nặng, như trẻ em, người lớn tuổi và những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương - theo Andrea McCollum, nhà dịch tễ học đứng đầu nhóm nghiên cứu virus đậu mùa và đậu mùa khỉ của CDC Mỹ ở Atlanta.

Đến nay, các ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ đã xảy ra ở ít nhất mười quốc gia, trong đó có Mỹ, Mexico, Brazil, Ấn Độ, Nigeria và Tây Ban Nha.

Một số ca tử vong bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng và mắc thêm các bệnh nguy hiểm khác ngoài đậu mùa khỉ. Hai người chết ở Tây Ban Nha bị viêm não - một biến chứng nặng nhưng hiếm gặp ở nhiều bệnh do virus gây ra. Chưa rõ các ca viêm não lần này là do virus đậu mùa khỉ lây nhiễm vào các mô não, hay do phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể.

“Không thể chỉ coi bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh về da và đường hô hấp", Jonathan Rogers, bác sĩ tâm-thần kinh tại College London, nói. Virus đậu mùa khỉ có thể đã biến đổi kể từ những đợt bùng phát trước đây, và đang ảnh hưởng đến nhiều người trên một diện rộng hơn so với các đợt bùng phát trước.

Một khu cách ly điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Triệu chứng bệnh

Khi không gây tử vong, căn bệnh này vẫn có thể “cực kỳ đau đớn”, bác sĩ điều trị đậu mùa khỉ Jason Zucker tại Đại học Columbia, lưu ý. Cơn đau phát sinh từ các tổn thương trên da, chứa đầy dịch. Ngoài các ca nhập viện vì các biến chứng đe dọa tính mạng như khó thở hoặc viêm não, ngày càng nhiều người phải nhập viện vì không thể kiểm soát cơn đau, Zucker nói.

Nhìn chung, các bác sĩ lâm sàng ít quan sát thấy các tổn thương ngoài da hơn so với các đợt bùng phát trước đây ở châu Phi. Nhưng các tổn thương trên các mô niêm mạc của cơ thể (như trong lỗ mũi, đôi môi, mí mắt, tai, khí quản, dạ dày, vùng sinh dục, và hậu môn) lại xuất hiện nhiều hơn.Trước đây, các tổn thương chủ yếu xuất hiện trên da nơi bàn tay, bàn chân và mặt. Các tổn thương niêm mạc không nghiêm trọng hơn, nhưng gây đau đớn vì các mô này rất nhạy cảm, đồng thời cản trở việc nuốt, ăn, uống, tiểu tiện và đại tiện. Các tổn thương này cũng khó nhận biết hơn các tổn thương ngoài da.

Ai dễ bị bệnh nặng?

Sau đợt bùng phát năm 2003 ở Mỹ, khi một chuyến hàng chở động vật gặm nhấm từ Ghana lây virus đậu mùa khỉ sang những con chó đồng cỏ ở Illinois và khiến hơn 70 người bị nhiễm bệnh, các nhà nghiên cứu nhận thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh khác nhau tùy thuộc vào con đường tiếp xúc. Những người bị động vật nhiễm bệnh cào hoặc cắn có xu hướng mắc bệnh nặng hơn những người tiếp xúc với các giọt bắn từ đường hô hấp của động vật.

Hầu hết các ca nhiễm đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát hiện nay đều do quan hệ tình dục gần gũi, và vị trí trên cơ thể mà virus lây nhiễm đầu tiên - da hay mô niêm mạc - cũng có thể quyết định mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Cần có thêm dữ liệu để xác định các tác động lâu dài của bệnh sau nhiễm trùng cấp tính, Zucker nói. Ngay bây giờ, tác động kéo dài dễ thấy nhất là sẹo ở các vị trí tổn thương, có thể gây ra kỳ thị và làm co thắt các ống dẫn trong cơ thể như thực quản và ruột kết.

“Đây không phải một căn bệnh nhẹ, mà là bệnh khá nghiêm trọng," McCollum lưu ý.

Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu trong năm 2022. Nguồn: Our World In Data.

Từ ngày 23/7, WHO coi bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh CDC Mỹ, đến nay, trên toàn cầu đã ghi nhận hơn 60.000 ca nhiễm ở 103 quốc gia/vùng lãnh thổ - 96 trong số đó chưa từng xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ trước đây.

Theo số liệu ghi nhận chính thức (không đúng với số ca nhiễm thực tế vì độ phủ xét nghiệm khác nhau giữa các nước), Mỹ có nhiều ca mắc nhất với khoảng 23.000 ca; tiếp theo là Anh, Brazil và Tây Ban Nha, mỗi nước hơn 6.000 ca.

Nguồn: