Đây là phương pháp mới do các nhà khoa học tại ĐH Rutgers (Mỹ) phát minh, mang lại hiệu quả cao hơn trong việc phát hiện và theo dõi sự di căn của các khối u nhỏ, từ đó giúp chuẩn đoán sớm và điều trị ung thư chính xác hơn, ngay từ giai đoạn đầu tiên.

Kết quả công bố trên Nature Biomedical Engineering, cho thấy phương pháp mới này tỏ ra ưu việt hơn so với chụp cộng hưởng từ (MRI) và một số kỹ thuật phát hiện ung thư khác.

Sử dụng hạt nano phát sáng để phát hiện và theo dõi khối u trên chuột, hướng tới áp dụng trên người. Ảnh: Phys.org
Sử dụng hạt nano phát sáng để phát hiện và theo dõi khối u trên chuột, hướng tới áp dụng trên người. Ảnh: Phys.org

Việc phát hiện sớm và chuẩn đoán các khối u khi chúng bắt đầu di căn hiện vẫn là một thách thức lớn trong y học vì các phương pháp chụp ảnh hiện nay đều chưa mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc phát hiện những tổn thương nhỏ.

Tuy nhiên, nghiên cứu của ĐH Rutgers đã cho thấy các khối u nhỏ trên chuột có thể được phát hiện dễ dàng nhờ tiêm nano quang học vào cơ thể chúng; những hạt này sẽ phát ánh sáng hồng ngoại khi đi qua mạch máu, giúp theo dõi các khối u, cả khi chúng di căn tới những cơ quan khác như tuyến thượng thận hay xương.

Phương pháp này cho kết quả nhanh hơn cộng hưởng từ MRI, cùng khả năng hỗ trợ phát hiện sớm, theo dõi và điều trị hơn 100 loại ung thư trên người, dự kiến sẽ được áp dụng trong vòng 5 năm tới.