Vào thế kỷ 20, nhà khoa học người Mỹ Clarence Birdseye đã nghĩ ra một quy trình đóng băng thực phẩm nhanh chóng cũng như đóng gói các sản phẩm đông lạnh để bán lẻ cho công chúng. Đây là một trong những bước tiến quan trọng nhất từng được thực hiện trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Clarence Birdseye đứng trong dây chuyền sản xuất thực phẩm đông lạnh của Công ty Birdseye Seafood Inc vào năm 1924. Ảnh: Nypost
Clarence Birdseye đứng trong dây chuyền sản xuất thực phẩm đông lạnh của Công ty Birdseye Seafood Inc vào năm 1924. Ảnh: Nypost

Nhà phát minh người Mỹ Clarence Birdseye (1886-1956) được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp thực phẩm đông lạnh hiện đại. Ông đã phát triển phương pháp cấp đông nhanh chóng thực phẩm vào những năm 1920, làm thay đổi hoàn toàn cách thức chúng ta bảo quản và tiêu thụ thực phẩm, mang lại sự tiện lợi và đa dạng cho bữa ăn của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Trước khi có sáng chế của Birdseye, con người đã sử dụng nhiều cách bảo quản thực phẩm khác nhau. Một trong những cách làm phổ biến nhất là ướp muối, giúp loại bỏ độ ẩm và ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc hoặc vi khuẩn. Các phương pháp khác bao gồm hun khói, phơi khô và đóng hộp. Tuy nhiên, những phương pháp này có thể làm thay đổi hương vị cũng như kết cấu của thực phẩm, và chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn.

Birdseye sinh ra tại Brooklyn, New York (Mỹ) vào ngày 9/12/1886. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với thế giới tự nhiên. Ông dành nhiều thời gian khám phá thiên nhiên xung quanh, thu thập mẫu vật và nuôi dưỡng các loài động vật. Niềm đam mê này đã dẫn dắt ông theo học ngành sinh học tại Đại học Amherst.

Tuy nhiên, Birdseye sớm nhận ra rằng môi trường học thuật không phù hợp với bản tính thích phiêu lưu của mình. Sau hai năm, ông quyết định bỏ học và bắt đầu theo đuổi những chuyến thám hiểm đầy thử thách.

Năm 1912, Birdseye chuyển đến Labrador (Canada), một khu vực ở Bắc Cực. Trong những chuyến thám hiểm tại đây, Ông đã quan sát cách người Inuit bản địa sử dụng phương pháp đông lạnh nhanh để bảo quản thực phẩm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Họ đã kết hợp lớp băng dày, gió và nhiệt độ thấp (khoảng -40°C) để bảo quản những con cá vừa mới đánh bắt. Khi họ nấu chín cá và thưởng thức các món ăn, chúng gần như không khác biệt về hương vị và kết cấu so với lúc tươi sống.

Birdseye nhận thấy người Inuit đã làm đông lạnh cá một cách nhanh chóng, khiến tinh thể băng không kịp hình thành và phá hủy cấu trúc tế bào. Phương pháp này giúp giữ nguyên vị tươi ngon của thực phẩm tốt hơn so với các phương pháp đông lạnh chậm truyền thống.

Trước đó, vào đầu thế kỷ 19, phương pháp đông lạnh thường diễn ra ở nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức -40°C mà Birdseye chứng kiến ở Labrador. Quá trình đông lạnh xảy ra chậm [có thể kéo dài trong khoảng thời gian lên tới 18 tiếng], khiến chất lỏng rò rỉ ra khỏi tế bào của thực phẩm, dẫn đến tổn thương mô do các tinh thể băng hình thành lớn hơn. Đây là lý do tại sao thực phẩm đông lạnh chậm thường có cảm giác bị nhão hoặc khô sau khi rã đông.

Vào thời điểm đó, thực phẩm đông lạnh ở Mỹ thường có chất lượng kém và không được ưa chuộng so với thực phẩm đóng hộp hoặc thực phẩm phơi khô. Với tư duy của một doanh nhân, Birdseye tin rằng công chúng ở quê nhà sẵn sàng trả tiền cho những loại thực phẩm đông lạnh tươi ngon nếu ông có thể cung cấp chúng. Vì thế, ông trở về New York và thành lập Công ty Birdseye Seafoods Inc vào năm 1924.

Sản phẩm nổi bật nhất của công ty khi đó là phi lê cá đông lạnh, nhưng đáng tiếc là người tiêu dùng ở địa phương không mấy quan tâm đến mặt hàng này nên công ty nhanh chóng cạn kiệt vốn và bị phá sản. Birdseye cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người tiêu dùng về lợi ích của loại thực phẩm được làm lạnh nhanh so với các phương pháp bảo quản truyền thống.

Tuy nhiên, Birdseye không hề nản lòng. Năm 1925, ông chuyển đến Gloucester, bang Massachusetts (Mỹ), gần một trong những cảng cá năng suất và nổi bật nhất của quốc gia đểthành lập một công ty mới mang tên General Seafood Corporation.

Trong khoảng thời gian này, Birdseye đã sáng chế ra một hệ thống đóng gói cá đã qua sơ chế vào thùng carton phủ sáp, nơi chúng trải qua quá trình đông lạnh nhanh giữa hai tấm kim loại trong điều kiện áp suất cao. Đây là một quy trình hoàn toàn mới, khả thi về mặt thương mại và có khả năng mở rộng.

Không chỉ dừng lại ở cá, Birdseye đã mở rộng quy trình đông lạnh nhanh sang các mặt hàng thực phẩm khác như rau, thịt gà, thịt gia súc, trái cây và các món ăn chế biến sẵn vào năm 1927.

Tuy nhiên, Birdseye tiếp tục phải đối mặt với một số trở ngại, bao gồm việc thiếu xe có lớp cách nhiệt cần thiết trong quá trình vận chuyển sản phẩm của công ty tới các cửa hàng. Thêm vào đó, nhiều cửa hàng bán lẻ cũng không có tủ trưng bày lạnh.

Nhưng với sự quyết tâm và tầm nhìn xa của mình, Birdseye đã dần vượt qua tất cả những thách thức này. Đầu tiên, ông đã nghiên cứu và thử nghiệm tủ trưng bày thực phẩm đông lạnh vào năm 1930, sau đó sản xuất chúng hàng loạt theo mô hình liên doanh để bán hoặc cho các cửa hàng tạp hóa thuê lại vào năm 1934. Năm 1944, công ty của ông bắt đầu cho thuê các toa chở hàng đông lạnh để vận chuyển thực phẩm bằng đường sắt trên toàn quốc.

Sự đổi mới của Birdseye trong công nghệ đông lạnh đã góp phần thúc đẩy nhu cầu về tủ lạnh gia đình vào thập niên 1940, theo History. Khi Chiến tranh Thế giới lần Thứ hai xảy ra, đàn ông Mỹ ra chiến trường và phụ nữ phải đi làm để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. Vì vậy, họ có nhu cầu chuẩn bị các bữa ăn nhanh hơn. Tuy nhiên, đồ hộp lúc đó trở nên khan hiếm do các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thiếu vật liệu thiếc dùng làm vỏ hộp. Thực phẩm đông lạnh trở thành sự lựa chọn tối ưu của các bà nội trợ. Chẳng bao lâu sau, số người Mỹ sở hữu tủ lạnh đã tăng từ dưới 10% lên hơn 50%.

Kể từ đó, phương pháp đông lạnh nhanh đã trở thành tiêu chuẩn để bảo quản thực phẩm trên toàn thế giới, cho phép chúng ta thưởng thức các loại thức ăn theo mùa trong suốt cả năm. Thành tựu của Birdseye đã dẫn đến sự ra đời của nhiều công ty thực phẩm đông lạnh khác, góp phần tạo nên một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đôla ngày nay.

Ngoài quy trình sản xuất thực phẩm đông lạnh, ông còn phát triển đèn nhiệt hồng ngoại, súng phóng lao không giật để bắt cá voi và phương pháp loại bỏ nước ra khỏi thực phẩm. Trước khi qua đời vào năm 1956 do bị đau tim, ông đã hoàn thiện một phương pháp chuyển đổi bã mía (cặn mía nghiền) thành bột giấy.

Trong suốt sự nghiệp, Birdseye sở hữu tổng cộng gần 300 bằng sáng chế, theo Britannica. Năm 1949, ông đã giành Giải thưởng Babcock-Hart của Viện Công nghệ Thực phẩm Mỹ. Ông được vinh danh vào Đại sảnh Danh vọng Nhà phát minh Quốc gia vào năm 2005.

Theo History, Famous Scientists


Bài đăng số 1293 (số 21/2024) KH&PT