Chiếc máy này được trao giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 12 (2016 - 2017).
Sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân tiến hành làm đất để trồng xen canh vụ dưa hấu nhằm góp phần cải tạo đất kết hợp tạo thêm thu nhập. Trước nay, việc lên luống để trồng dưa chủ yếu được thực hiện bằng biện pháp thủ công (len, dá), vừa tốn sức, vừa mất thời gian.
Đặc biệt, khi vào cao điểm mùa vụ, nhu cầu làm đất, lên luống tăng, nguồn lao động không đáp ứng đủ nên chi phí tăng cao (200 - 300 ngàn đồng/người/ngày) trong khi năng suất thường không đáp ứng được yêu cầu (trong một giờ, mỗi lao động chỉ lên luống được từ 30 - 40m).
Xuất phát từ nhu cầu làm đất, lên luống và yêu cầu nông học của việc trồng dưa hấu tại tỉnh Tiền Giang, kỹ sư Nguyễn Minh Cảnh và kỹ sư Lê Minh Đúng đã nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy vun luống trồng dưa hấu trên đất ruộng nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra từ thực tiễn.
Máy có cấu tạo gồm cụm trống phay, lưỡi vun luống, cánh gạt đất, bánh tựa đồng. Để đảm bảo thỏa mãn các yêu cầu về nông học, lưỡi phay được bố trí trên trống phay có đường kính 30cm, dài 30cm, gồm có 12 lưỡi phay được bố trí thành bốn hàng. Hai hàng đầu trống phay (bên phải, bên trái) bố trí mỗi hàng hai dao phay lệch nhau 1 góc 900 và hai hàng ở giữa mỗi hàng bố trí 4 dao phay lệch nhau 450. 2 lưỡi vun luống được thiết kế đối xứng nhau, có chiều dài 17cm. Ngoài ra, máy còn có các cánh gạt đất có chiều cao 25cm, dài 75cm.
Sau khi lắp láp hoàn chỉnh, chiếc máy được khảo nghiệm trên nhiều đồng ruộng khác nhau tại huyện Cai Lậy. Kết quả khảo nghiệm cho thấy máy vận hành tốt, phù hợp với điều kiện nông học của việc vun luống trồng dưa hấu trên đất ruộng tại tỉnh Tiền Giang (với độ chặt 1,2 kg/cm2, công suất đạt trên 350 m/giờ).
Theo Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 12 (2016 - 2017), chiếc máy vun luống trên có kết cấu đơn giản, tận dụng một số phụ tùng sẵn có nên giá thành không cao, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, vận hành an toàn, công suất cao hơn rất nhiều so với lao động thủ công. Với14 lưỡi xới được truyền động qua bộ truyền bánh xích, có thể điều chỉnh độ sâu rãnh đất theo ý muốn.
Theo tính toán của tác giả, việc đầu tư một máy vun luống với chi phí 50 triệu đồng, chưa đầy 1 năm nông dân đã có thể thu hồi vốn và bắt đầu tạo ra lợi nhuận. Đồng thời, đầu tư chiếc máy này, nông dân có thể chủ động được thời gian canh tác dưa hấu theo đúng lịch mùa vụ.