Nếu xe hơi của bạn bị hỏng, bạn có thể dễ dàng đem nó tới thợ máy. Nhưng đối với các vệ tinh không gian thì vấn đề lại không hề đơn giản như vậy, bởi chẳng có thợ máy trong vũ trụ, cũng như không thể “kéo” một vệ tinh về Trái Đất rồi sau đó phóng lại với chi phí quá tốn kém.
Để đi tìm lời giải cho vấn đề này, các kỹ sư tại NASA và DARPA (Cơ quan nghiên cứu dự án tiên tiến của Bộ Quốc phòng) đang tìm cách phát triển loại “robot dịch vụ” – có thể hoạt động trong không gian với vai trò giống như thợ máy khi cần thiết, bao gồm tiếp cận, sửa chữa và bảo trì những vệ tinh bị lỗi bằng cánh tay robot.
Tuy nhiên, nỗ lực nghiên cứu trên cũng khiến không ít người tỏ ra quan ngại, về một số khả năng tồi tệ nhất. Thử tưởng tượng, những con robot dịch vụ làm công việc sửa chữa hoàn toàn cũng có thể bị lợi dụng cho mục tiêu gây thiệt hại hoặc phá hủy vệ tinh của đối phương. Xét cho cùng thì cánh tay robot sẽ dễ dàng uốn cong hay bẻ gãy một ăng-ten giống như khi vuốt thẳng nó, hoặc làm rò rỉ bình nhiên liệu thay vì đổ đầy. Vì thế, các quốc gia, nhất là những siêu cường có tham vọng vũ trụ (như Mỹ, Nga, Trung Quốc) rất dễ khởi động các chương trình “robot dịch vụ” của riêng họ, hoạt động dưới vỏ bọc sửa chữa những hệ thống ngoài Trái Đất, nhưng là để tận dụng cho cho mục đích trên.
May thay, vẫn còn một vài phương án khả dĩ giúp ngăn chặn việc sử dụng “robot dịch vụ không gian” cho những mưu đồ bất chính. Chẳng hạn, đề xuất của nhà phân tích chính Brian Chow khi trao đổi với Wired, rằng chúng ta có thể thiết lập những vùng “tự phòng vệ” xung quanh các vệ tinh. Nếu một robot nào đó có dấu hiệu mạo hiểm khi tiến lại quá gần vệ tinh của một quốc gia khác mà không được phép, thì chính phủ nước đó sẽ có toàn quyền phản ứng như đang đứng trước một mối đe dọa. Cách làm như vậy, thậm chí còn giúp loại bỏ những thiên kiến chủ quan, rằng khoảng cách bao nhiêu là quá gần?
Mặc dù đề xuất trên đồng nghĩa với việc các vệ tinh sẽ bị “vũ trang hóa” nhiều hơn “một chút” so với bây giờ, song nó rất đáng để được xem xét nếu có thể đảm bảo khả năng triển khai robot “thợ máy không gian” ngay khi sẵn sàng.
Hải Đăng (Theo Futurism)