Vào tháng 12/1792, nhà thực vật học người Pháp André Michaux tới Philadelphia (Mỹ) và gặp gỡ bác sĩ Benjamin Rush, người đã ký tên vào Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, cùng đồng nghiệp của ông là nhà tự nhiên học nổi tiếng Benjamin Barton.
Hai người đàn ông đáng kính ấy là thành viên của Hiệp hội Triết học Mỹ – tổ chức khoa học đầu tiên của nước này. Michaux thuyết phục Barton rằng nước Mỹ sẽ có nhiều lợi ích khi nắm trong tay “kiến thức địa lý của phần đất nước nằm ở phía Tây sông Mississippi”. Ý tưởng này thực sự đột phá: Ông muốn cải biến lục địa châu Mỹ, nhờ thế nâng cao danh tiếng cá nhân của mình khi trở thành nhà thám hiểm đầu tiên tìm thấy con đường tới Thái Bình Dương.
Barton truyền đạt ý tưởng táo bạo của Michaux cho Thomas Jefferson, Phó chủ tịch của hiệp hội kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Thời đó hầu như ai cũng biết Jefferson ám ảnh với địa giới phía Tây sông Mississippi. Ông nhìn nhận việc hợp nhất các đầu của lục địa là điều kiện tiên quyết để tạo ra “Đế chế Tự do” của Mỹ.
Nhưng thời đó, nước Mỹ chưa mang hình dáng hiện giờ. Biên giới phía Tây của nó là sông Mississippi, còn phía Nam giáp Florida. Đa phần diện tích vùng đất sau này được sáp nhập vào Mỹ, bao gồm Louisiana, lúc ấy nằm dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha. Và tuy đây là nước láng giềng tương đối hiền hòa, Jefferson vẫn lo ngại rằng việc phái các nhà thám hiểm Mỹ đặt chân lên vùng đất có thể làm bùng lên chiến tranh. Như vậy, một nhà tự nhiên học người Pháp là giải pháp hoàn hảo.
Jefferson có lý do chính đáng để đặt niềm tin vào Michaux.Vua Pháp Louis XVI đã đích thân đề bạt Michaux thành nhà thực vật học hoàng gia, cho ông tấm chi phiếu trắng để chu du khắp thế giới. Khi chuyển tới Mỹ ông đã mua một đồn điền lớn ở Nam Carolina, thu thập mẫu vật rồi gửi về Pháp. Ngoài ra, ông còn là chuyên gia về người Da đỏ. Sở trường tiến vào những vùng đất mà những người khác khó mà tiếp cận khiến ông nắm trong tay hàng trăm khám phá về đời sống động – thực vật trong Tân Thế giới.
Khi nhận được bức điện của Barton, Jefferson nhanh chóng đồng ý và lập tức hành động để giành được sự ủng hộ của Tổng thống George Washington, Alexander Hamilton và Henry Knox, cũng như các thượng - hạ nghị sĩ Mỹ. Jefferson cũng đích thân soạn thảo một hợp đồng yêu cầu Michaux “chú ý tới địa hạt mà ông đi qua, diện mạo chung của nó, đất đai, sông ngòi, núi non và sản vật – động vật, thực vật và khoáng sản – miễn là chúng mới mẻ với chúng tôi, có thể hữu ích hoặc rất kỳ lạ”.
André Michaux sinh ra trong một trang trại nằm ở phía Nam Versailles, nơi cha ông quản lý đất đai của nhà vua. Đáng lẽ ông sẽ nối nghiệp gia đình nếu một loạt bi kịch không diễn ra: người cha qua đời khi Michaux mới 17 tuổi, ba năm sau mẹ ông mất, bốn năm sau vợ ông từ giã cõi đời ngay sau khi sinh hạ cậu con trai François.
Một người bạn của gia đình là bác sĩ hoàng gia cho rằng con người bất hạnh này cần một khởi đầu mới và hướng ông tới thực vật học. Michauxngay lập tức nắm bắt mọi cơ hội học hỏi mà mình có được, bao gồm thời gian ngắn học việc trong chuyến thám hiểm đến vùng núi Auvergne (Pháp) cùng với Jean-Baptiste Lamarck, người khổng lồ của chủ nghĩa tự nhiên thế kỷ 18.
Năm 1782, ông tham gia chuyến thám hiểm hoàng gia tới Trung Đông với 120 người và 180 con lạc đà. Trong chuyến đi này ông đối mặt với vô số hiểm nguy: bị người Bedouin tấn công, giữ làm con tin để đòi tiền chuộc và buộc phải tự bỏ tiền túi ra chuộc mình; khi tới thành phố cảng Bushehr ông bị cướp mất số tài sản ít ỏi còn lại. Lãnh sự Anh tại thành phố kinh ngạc trước gian khổ ông trải qua và cho ông nhu yếu phẩm để tiếp tục đến Ấn Độ Dương, dù lúc đó Anh đang chiến tranh với Pháp.
Khi Michaux trở lại Paris vào năm 1785, những chiến tích của ông đã thành huyền thoại. Vua Louis XVI vốn muốn xây dựng thượng uyển trồng thực vật ở Tân Thế giới đã phong Michaux làm nhà thực vật hoàng gia và cử ông tới Mỹ kèm công văn. Y lệnh, Michaux đã tìm những cây bản địa và cây từ châu Á có thể sinh sôi nảy nở ở Pháp để gửi về mẫu quốc. Song chuyện này không diễn ra lâu. Cách mạng Pháp nổ ra khiến hoàng gia tàn lụi, biến Michaux trở thành kẻ không quê hương lẫn nhà bảo trợ.
Vụ xử tử vua Pháp đã đoàn kết quân chủ các nước châu Âu chống lại Cộng hòa Pháp. Pháp tuyên chiến với Áo, hy vọng rằng người dân nước này sẽ nổi dậy. Sau đó, Pháp tiếp tục mở rộng xung đột sang Anh vì đã ủng hộ các lực lượng phản cách mạng ở những tỉnh thuộc Pháp, và cả Tây Ban Nha vì đã gửi quân tới dãy Pyrenees. Đến tháng ba, Bồ Đào Nha, Vương quốc Naples và Đế chế La Mã thần thánh tham gia vào cuộc chiến, tạo thành Liên minh thứ nhất chống Pháp.
Nước Mỹ lúc đó phân vân nên chọn phe nào. Có người cho rằng nên ủng hộ Anh quốc vì chế độ quân chủ khó lật đổ. Còn Jefferson lại muốn câu giờ vì Pháp đã ủng hộ cuộc cách mạng của Mỹ. Tình trạng bất ổn là thời cơ kiếm lợi cho những người đủ khôn ngoan. Trong đó có một cựu tướng trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ tên George Rogers Clark. Sau khi rơi vào cảnh nợ nần do nuôi quân đội riêng, Clark viết thư cho Bộ Ngoại giao Pháp với đề xuất: Ông lập ra quân đội gồm người Da đỏ và người định cư để đuổi Tây Ban Nha ra khỏi miền Tây sông Mississippi do nước này kiểm soát. Tiếp đó ông sẽ mở cửa sông Mississippi và cảng New Orleans để Pháp và Mỹ có thể giao thương.
Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của quan chức Pháp và một phái viên trẻ tên Edmond-Charles Genêt đã vượt Đại Tây Dương với sứ lệnh kích động tình hình. Đặt chân tới Mỹ, Genêt đã gặp được Michaux và nhận ra nhà thực vật học có quan hệ rộng này là quân cờ hoàn hảo để hỗ trợ Clark xây dựng quân đội, vì ông ta “quen du hành trong nội địa châu Mỹ”, “việc đi lại không khiến ai nghi ngờ”.
Điều này rất mạo hiểm vì Tổng thống Washington đã tuyên bố Mỹ giữ thái độ trung lập với xung đột ở châu Âu. Tuy nhiên, Genêt đã thuyết phục được Michaux rằng Cộng hòa Pháp yêu cầu ông làm liên lạc viên cho vị tướng Mỹ, hứa hẹn ông sẽ nhận được thù lao hậu hĩnh. Michaux nhận lời làm gián điệp.
Vào ngày 16/7/1793, Michaux rời Philadelphia để tới Kentucky, thăm những người mà lãnh sự Pháp chỉ định, ngoài ra thực hiện nhiều chuyến du ngoạn để duy trì vỏ bọc nhà thực vật học. Ngày 17/9/1793, Michauxgặp được Clark và trao cho ông lá thư từ Bộ trưởng Genêt, đồng thời tự giới thiệu mục tiêu sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, vị tướng không hề nhận được phản hồi về lá thư mà mình từng viết nên cho rằng dự án đã bỏ dở. Mãi tới tháng 10 năm đó thì Clark mới đồng ý gây dựng quân đội cho Pháp, nhưng vào lúc đó thì mọi thứ đã quá muộn.
Tình hình chính trị đã xoay chiều: Genêt làm mích lòng Chính phủ Mỹ, tinh thần ủng hộ Pháp ở quốc gia này nguội dần. Tổng thống Washington chỉ đạo Jeffersongửi danh sách cáo buộc chống lại Genêt cho Pháp. Để xoa dịu vấn đề, Pháp cử người thay thế và mọi hoạt động của Genêt đều bị hủy bỏ. Ngoài ra, Tây Ban Nha đã nghe thông tin về việc nước Pháp dự định gây dựng quân đội để chống lại mình và bắt đầu tăng cường pháo hạm dọc sông Mississippi. Thống đốc Tây Ban Nha của Louisiana ra lệnh bắt giữ Michaux trong trường hợp ông cố lẻn vào lãnh thổ nước này lần nữa. Vụ việc vỡ lở khiến thỏa thuận của Michaux với Hiệp hội Triết học Mỹ tan thành mây khói. Một lần nữa mất đi nhà bảo trợ, ông quay lại Nam Carolina.
Không lâu sau, Michaux bắt tay vào chuyến thám hiểm mới qua dãy núi Blue Ridges. Vào tháng 8/1794, ông trở thành nhà thám hiểm đầu tiên leo lên đỉnh núi Ông tại Bắc Carolina, một trong những đỉnh cao nhất ở rìa phía Đông của dãy núi. Michaux không được ghi nhận thành tựu này. Trong các tác phẩm của ông, người ta tìm thấy những loài thực vật mà ông đặt theo tên mình: cây sơn Michaux, dương xỉ
Pleopeltis michauxiana; một loài hoa dại tên Michaux’s saxifrage. Ngoài ra ông còn mô tả nhiều loại thực vật khác, như cây tulip có chu vi hơn 2m, những bông hoa huệ lấm tấm chấm đen, “những bông hoa có lông mềm ở tán” mà ông tìm thấy ở chân núi Đen.
Năm 1795, Michaux vét hết khoản tiết kiệm để dành một năm thám hiểm vùng nội địa nước Mỹ. Nó đưa ông tới Tennessee, Kentucky, Indiana và Illinois, tại đây ông biết Pháp và Tây Ban Nha đã đình chiến. Nhận được tin vui, ông liền tìm người hướng dẫn giúp mình tiếp tục cuộc hành trình bị trì hoãn tới Thái Bình Dương. Nhưng không may sau đó ông đã phá sản.
Vào tháng 8/1796, ông quay trở lại Paris, đoàn tụ với con trai François, người đã về nước vài năm trước để quyên tiền. Michaux đã được “các nhà khoa học và học giả” tiếp đón nồng nhiệt tại Bảo tàng Quốc gia.
Đáng tiếc, phần đời còn lại của ông ngập tràn nỗi thất vọng. Michaux vô cùng đau khổ khi biết hầu hết 60.000 thực vật và 90 thùng hạt giống mà ông gửi về nhà trong nhiều năm đã bị cuộc cách mạng tàn phá, bởi vì các mẫu vật được trồng tại dinh thự hoàng gia và khu vườn tư nhân. Trong vài năm tiếp theo, ông sống trong căn nhà ở Paris để hoàn thành tác phẩm minh họa
Những cây sồi ở Bắc Mỹ.
Mãi tới năm 1800, ở tuổi 54, ông mới có cơ hội tiếp tục thám hiểm, với vai trò nhà thực vật học cao cấp trên con tàu nghiên cứu
The Naturaliste tới Úc được Napoleon tài trợ. Vào tháng 6/1802, Michaux đi thuyền 500 dặm tới Madagascar, nơi hứa hẹn đời sống thực vật độc đáo do nó biệt lập với thế giới. Ông cập bờ vào cuối mùa hè, xây dựng khu vườn mới ở thành phố cảng Tamatave. Michaux dự định biến đây làm trung tâm đưa những khám phá của mình đến Mauritius và rồi tới Paris, nơi François tiếp tục quảng bá công việc của ông. Tuy nhiên, những hộp mẫu vật và giấy tờ chưa bao giờ được chuyển đến Pháp. Chỉ vài tháng sau, vào tháng 10/1802, Michaux ốm sốt và qua đời.
Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Michaux dần chìm vào quên lãng, cho tới khi người thủ thư nghỉ hưu Charlie Williams ở Bắc Carolina cố gắng khôi phục lại danh tiếng cho nhà thực vật học này. Ở tuổi 75, Williams đã thành lập Hiệp hội Quốc tế André Michaux, mở ra các hội nghị khuyến khích tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Michaux. Cùng với hai nhà sinh vật học là Eliane Norman và Walter Kingsley Taylor, ông cho xuất bản cuốn sách
André Michaux ở Bắc Mỹ — bản dịch tiếng Anh đầu tiên gồm 9 quyển tạp chí và những lá thư mà Michaux viết trong thời gian lưu trú tại Mỹ từ năm 1785 – 1796. Cuốn sách dày 608 trang này đã làm sống lại cuộc đời truyền kỳ của Michaux .
Nguồn: smithsonianmag.com