Stem Cells: An Insider’s Guide, tên tiếng Việt là Tế bào gốc: Khám phá cùng nhà khoa học, là một cuốn sách hay với cái tên bao hàm rất nhiều ý nghĩa.

Paul Knoepfler trong chương trình TED Talk. Ảnh: TED

Chắc hẳn nhóm dịch đã cân nhắc rất nhiều để chọn ra một cái tên ngắn gọn, dễ hiểu, dễ gây chú ý mà vẫn giữ đúng tinh thần của nguyên tác. Nhưng “Insider” ở đây không chỉ là những hướng dẫn của một nhà khoa học Y sinh, vốn là người hiểu rõ và thao tác trực tiếp trên tế bào gốc, chăm sóc nâng niu chúng như thú cưng của mình (theo cách tác giả ví von), mà “Insider” ở đây còn là cách nhìn của tác giả dưới vai trò bệnh nhân.

Bản thân là một bệnh nhân ung thư phải trải qua những bước trị liệu phức tạp, trải qua những suy nghĩ về sự sống và cái chết..., tác giả Paul Knoepfler thấu đáo tâm tư tình cảm của người bệnh, hiểu họ và người thân muốn gì, phải chịu thiệt thòi gì, và họ có quyền lợi gì trong điều trị. Có lẽ vì vậy mà ở cuốn sách này, người đọc nhìn thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà khoa học, bác sĩ và bệnh nhân – một mối liên hệ khó tìm thấy ở những cuốn sách khác, vốn thuần túy nói về tế bào gốc một cách khoa học với đầy đủ các số liệu thống kê khô cứng.

Thêm vào đó, xuất phát từ kinh nghiệm viết blog lâu năm, ngôn ngữ tác giả sử dụng không quá hàn lâm, nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học chính xác; nội dung dễ hiểu cho đại chúng, nhưng vẫn đủ khó, đủ mới để cho sinh viên Sinh học, Y học và người trong ngành cảm thấy được thử thách, hứng thú khi đọc.

Những hình ảnh ví von rất hay và dễ hiểu, dễ nhớ có thể bắt gặp khắp nơi trong cuốn sách: DNA được cuộn chặt tạo thành nhiễm sắc thể bởi các nhóm protein histone, được tác giả ví von như sợi mì Ý spaghetti được bao phủ bởi nước sốt. Tế bào gốc nhìn từ phía ngoài như “một trái banh tennis”, và người đọc như một “con kiến nhỏ”, cùng với tác giả, “mở đèn soi như những người thợ mỏ”, lách mình xuyên qua màng tế bào để “nhìn ngó” tế bào gốc...

Trong khoảng thời gian đọc “Stem Cells: An Insider’s Guide”, đã không ít lần tôi phải thốt lên “Giá như tôi đang cầm bản tiếng Việt của cuốn sách này trong tay nhỉ!” Một lần trong số đó là khi tôi giới thiệu những cuốn sách hay cho các em sinh viên năm thứ ba tôi đang dạy. Tôi không muốn các em đọc quá nhiều sách giáo khoa, đầy định nghĩa và lý thuyết. Tôi muốn các em học các cơ chế phân tử, các chu trình sinh học ấy bằng một cách khác lý thú hơn, có tính thực tiễn và “người” hơn, qua những câu chuyện kể truyền cảm hứng... Những cuốn sách không chỉ đào sâu vào một chủ đề, mà còn mở rộng thế giới quan của các em ở mọi ngóc ngách khác xoay quanh chủ đề ấy.

Tác phẩm của Paul Knoepfler là một cuốn sách như vậy. Nó không quá chuyên sâu đến tế bào gốc, các gene, các nhân tố tăng trưởng, các công thức môi trường, điều kiện giữ lạnh... Nó mang một cái nhìn rất khái quát về tất cả mọi mặt quanh tế bào gốc: khoa học tế bào gốc, lịch sử tế bào gốc, nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng, quyền lợi của bệnh nhân, các vấn đề đạo đức, các luật định về tế bào gốc, vấn đề kinh tế và chuyển giao công nghệ liên quan, các tiềm năng triển vọng của tế bào gốc...

Và quan trọng hơn hết, cuốn sách đưa ra đầy đủ các hạn chế và hiểm họa từ liệu pháp tế bào gốc ở thời điểm hiện tại, khi mà con người vẫn chưa hề hiểu rõ, hiểu đầy đủ và cặn kẽ về cơ chế phân tử của chúng. Điều này giúp các nhà khoa học trẻ thận trọng hơn, tránh những suy nghĩ “vĩ cuồng” về tế bào gốc; đồng thời giúp bệnh nhân và người nhà hiểu rõ hơn về triển vọng “chữa lành” các căn bệnh nan y của mình, để khỏi phải thất vọng khi đặt quá nhiều niềm tin vào các liệu pháp tế bào gốc.