Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đang phải chịu đựng cảnh mù lòa do bệnh tiểu đường gây nên. Vì vậy, Colin Cook – cựu sinh viên Học viện Công nghệ California (Caltech) đã phát minh ra một phương pháp điều trị tiềm năng nhờ sử dụng loại kính áp tròng phát sáng.
Khi một người mắc bệnh tiểu đường, các mạch máu trên cơ thể, bao gồm cả ở mắt sẽ bị tổn thương, lượng máu lưu thông đến những tế bào thần kinh trong võng mạc giảm khiến chúng chết dần và gây nên tình trạng mù lòa.
Thông thường, cơ thể vốn đã có cơ chế phản ứng trước những tổn thương và tìm cách nuôi dưỡng các mạch máu. Tuy nhiên, đối với người bệnh tiểu đường, do chức năng của các mạch máu ở võng mạc bị suy giảm sẽ dẫn đến hiện tượng xuất huyết bên trong, những mô sẹo mới xuất hiện sẽ dần chiếm chỗ của các tế bào cảm nhận ánh sáng. Theo thời gian, thị lực của bệnh nhân sẽ yếu dần và mất hẳn.
Để chống lại tình trạng này, các phương pháp điều trị truyền thống thường tìm cách cắt giảm hoạt động bơm oxy đến võng mạc. Chẳng hạn, bác sĩ sẽ sử dụng tia laser để đốt các tế bào ở vùng ngoại vi, để giành oxy cho những tế bào cảm nhận ánh sáng ở tâm võng mạc. Ngoài ra, tiêm thuốc trực tiếp nhằm hạn chế bớt sự phát triển của các mạch máu mới trên nhãn cầu cũng là một lựa chọn điều trị khác. Vì vậy, Cook kỳ vọng rằng kính áp tròng của mình sẽ được nhiều bệnh nhân tin dùng nhờ sự tối giản và có rất ít tác dụng phụ.
Giống như phương pháp chiếu laser, việc sử dụng loại thấu kính mới sẽ có tác dụng làm giảm bớt nhu cầu trao đổi chất của các tế bào võng mạc, nhưng chủ yếu sẽ tập trung vào các tế bào que ở mắt do nhu cầu tiêu thụ oxy trong bóng tối của chúng rất lớn, gấp hai lần trong điều kiện ánh sáng. Một trong những giả thuyết tồn tại suốt hai thập kỷ qua cho rằng: chính nhu cầu oxy tăng vọt vào ban đêm của các tế bào que này là tác nhân chủ chốt gây ra tình trạng tổn thương võng mạc ở bệnh nhân tiểu đường.
Nguyên lý hoạt động của loại kính áp tròng mới là nhờ ứng dụng công nghệ phản quang trên đồng hồ đeo tay. Các hạt siêu nhỏ chứa tritium – đồng vị phóng xạ của hydro – đóng vai trò là nguồn cung cấp ánh sáng nhờ khả năng giải phóng electron khi bị phân hủy, sau đó những electron này lại biến thành ánh sáng nhờ một lớp phủ phát quang. Ngoài ra, nguồn sáng trên sẽ được duy trì ổn định trong suốt vòng đời sử dụng của kính.
Các hạt tritium có đường kính nhỏ như sợi tóc, sẽ được cấy vào tròng kính theo dạng vòng tròn hướng tâm chỉ đủ lớn để nằm ngoài tầm nhìn của người đeo khi con ngươi co lại trong điều kiện tiếp xúc với ánh sáng. Khi trời tối, con ngươi sẽ dãn ra và các tia sáng nhỏ trên kính sẽ soi vào tận trong võng mạc.
Trước đây đã từng có những nghiên cứu về phương pháp điều trị nhờ sử dụng mặt nạ phơi sáng trong lúc ngủ, tuy nhiên kết quả không mấy khả quan do bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu và hay quên đắp mặt nạ. Và cũng vì mặt nạ không được gắn liền với mắt, cho nên khi mắt chuyển động, người sử dụng sẽ cảm nhận tia sáng hiện ra và rất khó ngủ.
Cook cho biết loại kính áp tròng của anh được thiết kế để giúp phân bố lượng ánh sáng hợp lý cho võng mạc trong suốt cả đêm. Nhờ thấu kính được đeo dính liền vào mắt, cho nên ngay cả khi con ngươi đảo lên xuống trong lúc ngủ, tròng kính cũng sẽ di chuyển theo.
Kết quả thu được từ các cuộc thử nghiệm cho thấy rất khả quan, khi nhu cầu tiêu thụ oxy của những tế bào que trong võng mạc giảm tới 90% nhờ đeo kính. Trong thời gian tới, Cook và cộng sự sẽ tiếp tục thử nghiệm để chứng minh hiệu quả điều trị và xin FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Liên bang) cấp phép thử nghiệm y tế.