Liệu loại công cụ hỗ trợ dạng nửa người nửa máy có phải là một giải pháp dung hòa cho tương lai của nền sản xuất 4.0?
Tự động hóa toàn diện có thể sẽ là tương lai tất yếu của nền sản xuất, song ngày đó vẫn chưa tới. Trong khi máy móc đang dần thực hiện được nhiều tác vụ khó khăn hơn trong nhà máy thì con người chắc chắn vẫn chiếm một vị trí quan trọng đối với các dây chuyền sản xuất. Nhưng thường thì những công việc mà chúng ta phải làm cũng chẳng dễ dàng gì, chẳng hạn phải đứng một chân hay bắt cánh tay vận động lặp đi lặp lại 4600 lần mỗi ngày – tức một triệu lần trong năm.
Ford đang tìm cách giải quyết vấn đề này bằng việc trang bị cho công nhân bộ giáp trợ lực (exoskeleton) – theo Engadget. Trong tháng 11/2017, nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đã thử nghiệm bộ giáp có tên đầy đủ là EksoVest Exoskeletons (do Công ty Ekso Bionics chế tạo) với công nhân tại hai nhà máy. Hiện tại, 75 bộ giáp như vậy đang được phân phát cho nhân viên tại 15 chi nhánh trên khắp thế giới. Các thiết bị dạng này không hề có động cơ, hay thậm chí cả pin, nhưng lại có khả năng cung cấp sự “hỗ trợ thụ động” cho cánh tay với một lực khoảng 5 – 15 pound (1 pound = 0,45 kg) giúp giảm tải rất nhiều cho cơ bắp. Nếu không tin điều này có thể tạo ra sự khác biệt, bạn hãy thử lấy tay bóp trán và giữ như vậy trong vài phút.
Marty Smets, chuyên gia nghiên cứu hệ thống con người và sản xuất hiệu dụng tại Ford, nhận định đây mới chỉ là sự khởi đầu của exoskeletons với chức năng như “một bộ giáp trợ lực thụ động cho cánh tay trong một số tác vụ khó, chẳng hạn như phải siết ốc ở trên cao”. Thông qua một lộ trình phù hợp trong việc cải tiến từng bước các chức năng của bộ giáp, công nhân của Ford hoàn toàn có thể thích ứng tốt với những thiết bị mới một khi chúng trở nên sẵn có. Sau tất cả, có lẽ thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi về viễn cảnh liệu con người và máy móc có thể cùng tồn tại trong hòa bình.
Nhật Phạm (Theo Futurism)