Một dự án thí điểm ở Campuchia dùng blockchain để giúp nông dân trồng lúa hữu cơ tìm được những thỏa thuận giao dịch tốt hơn cho sản phẩm của họ.

Dự án dùng Blockchain hỗ trợ trồng gạo hữu cơ ở Campuchia (dự án Blocrice) phát triển một "hợp đồng thông minh". Đây là hợp đồng nông nghiệp kỹ thuật số ba bên giữa nông dân trồng gạo hữu cơ, các nhà xuất khẩu gạo và các nhà bán lẻ. Nó cho phép tất cả các bên xác minh, đàm phán và thực hiện hợp đồng bằng kỹ thuật số.

Chuỗi cung ứng gạo trong sử dụng công nghệ blockchain

Dự án Blocrice bao gồm 50 nông dân trồng lúa hữu cơ quy mô nhỏ ở tỉnh Preah Vihear, Bắc trung bộ Campuchia. Những nông dân này có quy mô đất trung bình từ một đến hai hecta và sản xuất từ 2,5 đến 3 tấn gạo hữu cơ mỗi năm.

Dự án cho mỗi thành phần trong chuỗi cung ứng một mã nhận dạng độc nhất trên blockchain. Hệ thống đưa ra một hợp đồng thông minh giữa tất cả các bên. Khi gạo được giao, việc nhận hàng sẽ được ghi lại bằng kỹ thuật số và thanh toán cũng qua kỹ thuật số, gửi đến tài khoản các hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã sau đó sẽ chuyển khoản thanh toán vào tài khoản ngân hàng cá nhân của nông dân (do ngân hàng địa phương cung cấp).

Với trách nhiệm giải trình và sự minh bạch được cung cấp bởi công nghệ blockchain, thương nhân, nhà sản xuất và nhà bán lẻ đều có thể truy cập thông tin về chuỗi cung ứng trong cơ sở dữ liệu chung.

Trước đây, nông dân trồng lúa thiếu khả năng và thông tin để đàm phán với những người trung gian và thương lái. Họ thường phải bán sản phẩm một cách nhanh chóng với giá rẻ để trả nợ lãi suất cao. Bây giờ họ có thể dễ dàng tìm người mua và thương lượng được mức giá tốt hơn.

"Dự án này có sự tham gia của một mạng lưới lớn các bên liên quan, họ phải đồng ý làm việc với nhau và tuân thủ các điều khoản của một Hợp đồng thông minh. Điều này đảm bảo mọi người nhận được lợi nhuận công bằng từ các giao dịch", Solinn Lim, giám đốc dự án tại Campuchia cho biết. “Mọi giao dịch phải minh bạch, có thể được theo dõi và kiểm chứng bởi tất cả các bên".

Blockchain được sử dụng như một sổ cái kỹ thuật số phi tập trung, phân phối rộng và công khai để ghi lại các giao dịch trên nhiều máy tính. Các bản ghi không thể bị thay đổi hồi tố mà không có sự đồng thuận của mạng lưới. Do đó, tất cả các bên trong chuỗi cung ứng gạo - từ các hợp tác xã nông nghiệp đến các nhà sản xuất bánh gạo ở châu Âu - sẽ chia sẻ thông tin liên quan.

Nhà xuất khẩu gạo AmruRice, một trong những bên tham gia dự án thí điểm, hy vọng dự án có thể cải thiện hình ảnh của gạo Campuchia và thúc đẩy xuất khẩu. "Các nhà bán lẻ nước ngoài có thể truy cập Blocrice để theo xuất xứ của gạo và theo dõi xem các đối tác thương mại của họ có đang đối xử với nông dân một cách công bằng hay không", Kann Kunthy, giám đốc điều hành AmruRice, cho biết.

Nguồn: