Sau khi qua đời, hiện xác rùa Hồ Gươm đang được lưu giữ trong kho lạnh của Bảo tàng Thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để nghiên cứu và bảo quản lâu dài.
Theo TS Nguyễn Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Trưởng nhóm cứu chữa cụ rùa năm 2011, khi đưa cụ rùa lên bờ, vấn đề xác định giống đực hay cái không được thực hiện.
"Nhiều người bảo cụ rùa giống cái. Thực ra, việc đưa ra nhận định cụ rùa có thể là giống cái chỉ dựa trên quan sát hình thái học nên tính chính xác không cao", TS Tề nói.
Còn nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), GS.TSKH Lê Trần Bình, người chủ trì việc xét nghiệm ADN “cụ rùa" Hồ Gươm cho rằng:
“Cụ” là một loài mới hoàn toàn, không liên quan đến loài giải Thượng Hải (Trung Quốc) hay rùa Đồng Mô.
Đồng thời, là một “cụ bà” giống với tiêu bản rùa đang được trưng bày tại đền Ngọc Sơn
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được từ Bảo tàng Thiên nhiên, qua quá trình kiểm tra xác "cụ rùa", khả năng cao "cụ rùa" là giống đực, trái với các ý kiến từ trước cho rằng, "cụ" là giống cái.
Cùng với đó, xác "cụ rùa" có kích thước dài 2,08m; rộng 1,08 mét, nặng 169kg.
Ông Tim McCormack, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á - Tổ chức Indo-Myanmar Conservation cũng đưa ra khẳng định, "cụ rùa" hồ Gươm là cá thể đực.
Trước thông tin này, PGS.TS Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN VN cho rằng, nếu "cụ rùa" là giống đực cần lưu giữ mẫu phân tử ADN của tinh trùng.
"Cần nhanh chóng lấy và bảo quản tinh trùng trong điều kiện đặc biệt để khi khoa học phát triển, có thể sử dụng phối giống. Cách này cũng như nhiều nam giới hiện nay lưu giữ tinh trùng để thụ tinh”, PGS Cảnh nói.
Còn nếu cụ rùa là giống cái có thể lưu giữ buồng trứng để bảo quản lâu dài nhưng khả năng thực hiện chức năng duy trì nòi giống sẽ khó hơn nhiều.
Bảo quản xác "cụ rùa" như thế nào?
Theo PGS.TS Cảnh, việc bảo quản mẫu vật rùa trên thế giới khá phổ biến và không phức tạp.
Tuy nhiên, cụ rùa ở Việt Nam có kích thước, trọng lượng lớn, chết trong khoảng thời gian tương đối lâu mới phát hiện nên cần nhanh chóng xử lý, nếu không các bộ phận bên trong có thể hư hại.
Về phương án xử lý, theo PGS.TS Cảnh có thể áp dụng hai phương án mà thế giới thường làm là bảo quản ướt và bảo quản khô.
Bảo quản ướt bằng cách xây dựng bể chứa, ngâm mẫu vật trong cồn. Ưu điểm của phương pháp này là mẫu vật được bảo quản nguyên trạng, nằm trong bể nên gần gũi với điều kiện ngoài tự nhiên, chi phí rẻ, yêu cầu kỹ thuật bảo quản không phức tạp.
Mẫu vật được bảo quản lâu dài, có thể phục vụ để làm các nghiên cứu khác như phân tích gen, bảo tồn gen.
Phương án hai là bảo quản khô, làm tiêu bản, phương án này yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, chế tác phải đảm bảo, không làm hư hại, việc bảo quản phải đáp ứng một số điều kiện.
PGS Cảnh cho rằng, phương án nào cũng được, nhưng quan trọng là Hà Nội phải vào cuộc nhanh chóng, giao cho cơ quan khoa học có đủ chuyên môn thực hiện bảo quản sớm.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam) cũng cho hay, các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra những tư vấn còn việc quyết định cụ thể như thế nào phụ thuộc vào thành phố Hà Nội.
"Nếu TP Hà Nội có quyết định và mời chúng tôi tham gia thì chắc chắn chúng tôi sẽ tư vấn phương pháp bảo quản xác của "cụ rùa" đảm bảo lâu dài, hiệu quả, phù hợp với phương thức các nước tiên tiến đang thực hiện", TS Trường nói.