Chuyên gia Thương Tự, chủ tịch Ủy ban khí hậu và rủi ro thiên tai thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) lý giải hiện tượng thời tiết cực đoan lúc nóng lúc lạnh năm 2015 và dự báo năm 2016.
|
Mặt sông Tùng Hoa ở thành phố Cát Lâm đóng thành băng. Ảnh:Rex
|
Theo Xinhua, mùa đông năm nay, nhiều khu vực tại Trung Quốc xuất hiện những đợt lạnh ngắn và sâu. Tại Bắc Mỹ và châu Âu cũng xuất hiện lạnh cục bộ, Nhật Bản vào cuối tuần này dự kiến cũng xuất hiện đợt lạnh sâu. Tuy nhiên, tại Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu toàn cầu tổ chức tại Paris đầu tháng 12, các báo cáo đều nêu rằng 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử hiện đại.
Có hai nguyên nhân gây ra hiện tượng lúc nóng lúc lạnh này, nguyên nhân thứ nhất do lốc xoáy vùng cực (polar vortex) và dòng tia (jet stream).
Nguyên nhân
Lốc xoáy vùng cực là các khối khí lớn, rất lạnh có mặt ở hai cực (Bắc Cực và Nam Cực), nằm phía trên tầng đối lưu và ở giữa tầng bình lưu. Theo ông Tự, trước đây khối khí lạnh ở hai cực hoạt động tương đối ổn định tuy nhiên kể từ khi trái đất bắt đầu nóng lên, những khối khí này hoạt động tích cực hơn. Do đó, cực Bắc xuất hiện những khối khí lạnh nhỏ lan xuống phía nam, gây ra hiện tượng rét sâu cục bộ.
Dòng tia là dòng không khí hẹp tốc độ cao di chuyển theo hướng tây sang đông vòng quanh Trái Đất, nằm ở đỉnh tầng đối lưu và giữa tầng bình lưu. Dòng tia chịu ảnh hưởng của sự chênh lệch nhiệt độ giữa vòng Bắc Cực và khu vực trung vĩ độ (vĩ độ 30-60). Chênh lệch nhiệt độ càng lớn, tốc độ di chuyển của dòng tia càng mạnh, tạo thành một đường thẳng. Ngược lại, chênh lệch nhiệt độ thấp khiến tốc độ của nó chậm lại, di chuyển theo hình uốn khúc. Nếu nhiệt độ ở Bắc Cực tăng lên, chênh lệch nhiệt độ với khu vực trung vĩ tuyến sẽ giảm đi, khiến dao động đường đi của dòng tia lớn hơn, làm xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan ở cực dao động của biên độ.
Theo chuyên gia Thương Tự, sự biến đổi bất thường của dòng tia và lốc xoáy vùng cực là nguyên nhân khiến thời tiết theo mùa năm nay xuất hiện biến đổi cực đoan, lúc cực nóng, lúc cực lạnh.
Nguyên nhân thứ hai là do hiện tượng El Nino làm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ảnh hưởng của El Nino và dự báo 2016
El Nino là nguyên nhân khiến nhiệt độ mặt nước biển ở khu vực trung và đông Thái Bình Dương ấm lên bất thường, làm xuất hiện thời tiết cực đoan khắp thế giới như mưa bão và lũ lụt cuối năm ngoái ở Bắc và Nam Mỹ, hay nắng nóng bất thường ở châu Á hồi tháng 5.
Giáng sinh vừa qua tại phía đông nước Mỹ xuất hiện "mùa đông ấm", nhiệt độ tại một số khu vực thậm chí lên tới hơn 20 độ C, hoa anh đào nở rộ trước mùa. Còn tại phía nam, tây nam và trung bộ nước Mỹ lại xuất hiện mưa bão, lốc xoáy và lũ lụt. Ngày 25/12/2015 tại Montreal, Canada, nhiệt độ cao nhất lên tới 16 độ C, nhưng chỉ ba ngày sau giảm sâu xuống còn -10 độ C.
"Sự thay đổi nhiệt độ do không khí lạnh bất thường gây ra không đại diện cho thời tiết cả năm. Nhiệt độ trung bình năm 2015 ở Trung Quốc đã tăng gần 1 độ C so với mức trung bình. Điều này có nghĩa là xu hướng nóng lên toàn cầu và mùa đông ấm sẽ vẫn tiếp tục xảy ra ở Trung Quốc",CRIdẫn lời Zhu Dingzhen, chuyên viên cơ quan khí tượng Trung Quốc.
|
Ảnh hưởng của El Nino tới thế giới năm 2015. Đồ họa: Open Snow
|
Theo cơ quan khí tượng Anh, lấy nhiệt độ trung bình của Trái Đất từ năm 1960 đến 1990 làm mốc, nhiệt độ trung bình năm 2014 tăng 0,57 độ C, năm 2015 tăng 0,75 độ C, dự kiến năm 2016 tăng 0,84 độ C.
Ông Thương Tự đánh giá, El Nino sẽ còn gây ra thêm nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan nữa trong thời gian tới. Năm 2016 dự đoán có thể nóng hơn năm nay, và thế giới sẽ đón nhận một đợt nắng nóng kỷ lục mới.