Một nhóm các nhà khoa học Anh đang nghiên cứu chế tạo loại xi măng có thể chống chịu những ảnh hưởng gây hại của rác thải hạt nhân trong hàng nghìn năm.

xi-mang-chua-rac-thai-hat-nhan-an-toan-trong-100000-nam

Chất thải hạt nhân được chở bằng tàu hỏa đến khu vực xử lý. Ảnh: Reuters.

Nhóm chuyên gia ở cơ sở nghiên cứu khoa học Diamond Light Source của Anh cho biết dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh Anh đang tìm cách mở rộng ngành công nghiệp hạt nhân.

Các nhà nghiên cứu tin rằng vật liệu mới có khả năng giảm ảnh hưởng phóng xạ tốt hơn 50% so với các phương pháp lưu trữ hiện nay. Chính phủ Anh đang lựa chọn địa điểm để chôn lấp khoảng 300.000 mét khối chất thải phóng xạ thải vào năm 2030, International Business Times hôm qua đưa tin.

Một phần trong kế hoạch là Cơ sở Chôn rác Địa chất (GDF), nơi chất thải phóng xạ được trộn với xi măng và chôn sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, trước khi tìm ra địa điểm đặt cơ sở, chính phủ cần đảm bảo chất thải phóng xạ được lưu giữ an toàn trong ít nhất 100.000 năm.

Tiến sĩ Claire Corkhill từ Đại học Sheffield, Anh, sử dụng Cơ sở Thí nghiệm Dài hạn (LDE) thuộc Diamond để nghiên cứu cách xi măng phản ứng với nước khi ngậm nước trong thời gian hàng trăm năm. Sau hai năm thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tìm ra loại xi măng mới chứa khoáng chất, có thể hấp thụ những nguyên tố với độ phóng xạ cao.

"Chúng tôi hy vọng các kết quả sẽ tác động đến thiết kế GDF và giúp cải thiện độ an toàn của cơ sở trong thời gian dài", Corkhill chia sẻ.

Lưu trữ chất thải hạt nhân an toàn trở thành một vấn đề quan trọng khi gần 11% điện năng trên thế giới được sản xuất từ các nhà máy điện hạt nhân. Trước đây, Anh tuyên bố sẽ xây vài nhà máy năng lượng hạt nhân trong thập kỷ tới để loại bỏ việc phát điện bằng nhiên liệu hóa thạch như khí đốt, than đá và dầu.