Một hội thảo khoa học về “Sử dụng amiang trắng an toàn và có kiểm soát” đã được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, ngày 17/11.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, mục tiêu của Hội thảo thu thập tìm kiếm những căn cứ khoa học xác đáng, động lực thúc đẩy dẫn tới điều hành chính sách trong khuôn khổ tiếp cận đầu tư kinh doanh “cấm hay cho phép đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với amiang trắng.”
Cụ thể, amiang được chia thành hai nhóm chính, amiang nâu-xanh đã bị cấm sử dụng dưới mọi hình thức trên toàn cầu do khả năng gây ra ung thư cho con người. Song hiện, amiang trắng vẫn được cho phép sử dụng buôn bán, vận chuyển ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển và trong đó có Việt Nam.
Thời điểm hiện tại, các nhà khoa học trong và ngoài nước vẫn bất đồng quan điểm trước những báo cáo đánh giá về tác động của amiang trắng đến sức khỏe con người cũng như việc có nên tiếp tục cho phép kinh doanh amiang trắng tại Việt Nam.
Những tranh cãi kịch liệt đã diễn ra trong Hội thảo, một số nhà khoa học khẳng định tác hại của amiang trắng là rất nhỏ, luôn trong ngưỡng cho phép. Nhưng ở phía chiều đối lập, các nhà khoa học khác lại kiên quyết lên tiếng kêu gọi “nói không với amiang.”
Ai là người “bảo vệ” amiang trắng?
Tiến sỹ John Hoskins, Cố vấn độc lập, Hội hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh nhấn mạnh, “mặc dù chưa có sự đồng thuận trên toàn cầu nhưng ung thư phổi liên quan đến amiang có thể là hệ quả của các bệnh bụi phổi amiang hiện đang tồn tại.”
Theo tiến sỹ Hoskins, Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ thống kê trung bình cứ 7 người mắc bệnh bụi phổi amiang thì có 01 người phát triển thành ung thư phổi. Song thực tế, ước tính về khả năng gây ung thư trung biểu mô của amiang trắng chỉ dao động từ 0-1/200 so với amiang nâu và xanh.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sỹ Lê Thị Hằng, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng, Bộ Xây dựng đã công bố kết quả điều tra “Môi trường và sức khỏe người lao động tại các cơ sở sản xuất tấm lợp AC và tình hình sức khỏe cộng đồng tại xã Tân Trịnh, Quang Bình, tỉnh Hà Giang.”
Báo cáo cho thấy, kết quả khám sức khỏe cho hơn 1.000 công nhân/5.000 người lao động đang làm việc trong các dây chuyền sản xuất tấm lợp AC trong thời kỳ (2008-2014) chỉ có trên 5% người lao động có sức khỏe loại 4 và 5, còn lại gần 90% vẫn đạt sức khỏe tốt (loại 1 và 2).
Bên cạnh đó, đối với cộng đồng dân cư có sử dụng tấm lợp AC thì nồng độ bụi trung bình chỉ ở mức 0,24-0,32 mg/m3 (mức dưới chuẩn Bộ Y tế cho phép). Không chỉ có vậy, Báo cáo này cũng cho biết nồng độ bụi sợi amiang trong môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất tấm lợp AC (thực hiện năm 2015) tại khu vực (xé bao, nghiền amiang) có nồng độ bụi sợi amiang cao nhất cũng chỉ ở mức 0,37 sợi/ml (mức dưới chuẩn Bộ Y tế cho phép).
Một nghiên cứu khác đến từ nhóm tác giả (tiến sỹ Lương Đức Long và tiến sỹ Vũ Hải Nam) của Viện Vật liệu Xây dựng “Kiểm tra, đánh giá chất lượng tấm amiang xi măng và tấm xi măng sợi PVA” cũng lên tiếng khẳng định, trong tấm lớp xi măng amiang, các sợi rất khó bị phát tán ra môi trường trường trong quá trình sử dụng. Thêm vào đó, quá trình rửa trôi hoặc bị đập nhỏ, cặn rửa hoặc bụi của tấm lợp chỉ là đá xi măng có chứa sợi.
“Từ đó cho thấy tấm lợp amiang xi măng hầu như không gây rủi ro cho môi trường và sức khỏe con người,” ông Long khẳng định.
Hội thảo khoa học về “Sử dụng amiang trắng an toàn và có kiểm soát” (Ảnh: PV/vietnam+)
Amiang trắng và người “nghèo”?
Theo Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, sản lượng sản xuất tấm lợp AC trong nước đạt khoảng 90 triệu tấn/năm, theo đó lượng tiêu thụ amiang trắng khoảng từ 65-70 triệu tấn/năm.
Vì tấm lợp AC có giá thành rất rẻ, đặc tính bền, phù hợp với điều kiện thời tiết Việt Nam nên được người tiêu dùng có thu nhập thấp ưa sử dụng (đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bằng sông Cửu Long).
Tiến sỹ Vũ Thường Bồi, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Hóa học Hà Nội nhấn mạnh, “không thể kiểm soát được tác động từ amiang đến môi trường, nếu nói về sự kiểm soát đó chỉ là sự kỳ vọng mà thôi. Trên tất cả các bì nhập khẩu khẩu amiang trắng từ các quốc gia đều có sự cảnh báo, trong thành phần nguyên liệu vẫn chứa một tỷ lệ các chất độc. Nếu đem về phòng phân tích, các lô hàng nhập về thường chiếm khoảng 5% amiang màu trong đó (đây là nguyên liệu hoàn toàn bị cấm sử dụng).”
Tiến sỹ Vũ Thường Bồi, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Hóa học Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Môi trường ô nhiễm gây lên bệnh tật, đặc biệt là ung thư. Trong rất nhiều nguyên nhân gây ung thư thì về amiang đã được các nhà khoa học quốc tế cảnh báo - lượng amiang tiêu thụ tỷ lệ thuận với bệnh tật mà chất này gây ra.”
Trong xã hội, người nghèo bao giờ cũng “yếu thế,” do đó ông Bồi phân tích, “khi đánh giá về tính kinh tế trong việc sử dụng tấm lợp AC, các nhà quản lý cần phải cân nhắc giữa lợi ích và tác động của amiang, mặc dù có lợi về giá rẻ song lại hại gây bệnh tật cho cộng đồng, mà chi phí điều trị bệnh tật bao giờ cũng cao hơn nhiều so với lợi ích thương mại.”
Không chấp nhận những Báo cáo trong nước đưa ra để khẳng định amiang trắng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tiến sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - thẳng thắn, Nghiên cứu từ Bệnh viện Xây dựng là một nghiên cứu mô tả, thêm vào đó chưa đề cập đến vấn đề kiểm soát sai số, do đó không được phép đưa ra kết luận về “vai trò gây bệnh - có hay không giữa amiang và sức khỏe con người.” Trong khi đó, Báo cáo của Viện Vật liệu Xây dựng là đánh giá độ bền vững của amiang trong tấm lợp, nên việc nhìn nhận đến tác động ảnh hưởng của nó lên sức khỏe cộng đồng là không chính xác.
Ông Tuấn khẳng định, mức độ độc hại của amiang (kể cả amiang trắng) được xếp vào nhóm một - các yếu tố gây ung thư trên người, do Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới công bố (nằm chung trong nhóm chứa độc tố gây ung thư như asen, benzen…).
Bên cạnh đó ông Tuấn cũng dẫn lời, các nhà dịch tễ học trên thế giới thông qua Ủy ban Chính sách Liên hiệp các Hội dịch tễ học đã đưa ra tuyên bố về amiang trắng, “với tất cả tinh thần trách nhiệm của những người làm dịch tễ học chuyên nghiên cứu đánh giá về vai trò của một yếu tố trong môi trường đối với sức khỏe con người, từ các bằng chứng nghiên cứu hơn nửa thập kỷ qua đã đi đến kết luận chắc chắn amiang trắng là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư phổi, u trung biểu mô. Kêu gọi toàn cầu cấm sử dụng amiang tất cả các loại.”
Ông Tuấn cũng chỉ ra, với các nước đang vận chuyển, sản xuất, tiêu thụ amiang, thì Việt Nam được xếp vào danh sách 8 nước trọng điểm phải vận động cấm sử dụng amiang trắng./.
Tấm lợp amiang được người tiêu dùng có thu nhập thấp ưa chuộng sử dụng, đặc biệt là ở khu vực miền núi. (Ảnh: TTXVN)