GS-TSKH Vũ Minh Giang - Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN nhấn mạnh như vậy khi nói về yếu tố tác động đến quyết định bỏ phiếu lựa chọn của các thành viên hội đồng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc (đứng giữa) tặng hoa khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến ngày 17/8 tại Hà Nội. Ảnh: N.Hiệp Phải chứng minh được tính hiệu quả của đề tài
Tại buổi giao lưu trực tuyến “Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN: Tôn vinh tài năng, trí tuệ và sự cống hiến của nhà khoa học” do Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN tổ chức sáng 17/8, GS-TS Phạm Minh Thông - đại diện nhóm tác giả có công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực y tế - khẳng định: “Hiện nay Đảng và Nhà nước đã dành nguồn kinh phí khá lớn cho nghiên cứu khoa học. Trước đây, một đề tài cấp bộ chỉ được đầu tư 300-400 triệu đồng nhưng hiện nay có thể lên đến vài tỷ, đề tài cấp nhà nước lên đến hàng chục tỷ đồng”.
“Vấn đề là các nhà khoa học phải đưa ra định hướng và chứng minh tính hiệu quả của đề tài. Như ngành y, các nghiên cứu ứng dụng gene trị liệu, tế bào gốc, vắcxin...đã có kết quả nhất định” – GS Thông khẳng định.
Không chỉ đánh giá tác động trực tiếp của công trình đến đời sống kinh tế, GS Giang cho biết, khi xây dựng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, yếu tố uy tín quốc tế của giải đã được tính đến.Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó cần cả một quá trình vì khoa học Việt Nam so với trình độ quốc tế vẫn còn khoảng cách không nhỏ.
“Chính vì vậy, trong lần xét tuyển này, ảnh hưởng, uy tín quốc tế của các công trình được đặc biệt quan tâm” - GS Giang nói. Minh chứng cho điều này, ông nhắc đến cụm công trình thuộc lĩnh vực toán học do GS Ngô Việt Trung đại diện với 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín, hay công trình ứng dụng ion hóa trong chẩn đoán và điều trị ung thư do GS Mai Trọng Khoa chủ trì đều đã đạt tới những công nghệ tân tiến nhất thế giới hiện nay.
Nhà khoa học cần đủ đam mê để không bỏ nghề
GS Phan Huy Lê - tác giả một công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh - cho rằng các công trình nghiên cứu khoa học xã hội đã có bước phát triển rất đáng kể. Thể hiện từ cơ cấu chuyên môn của các ngành khoa học xã hội, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo đến đội ngũ nhà khoa học và các sản phẩm nghiên cứu. Tuy nhiên, khoa học xã hội Việt Nam cũng bộc lộ một số mặt hạn chế, trong đó GS Lê đặc biệt nhấn mạnh tình trạng có nhiều công trình nghiên cứu nhưng vẫn thiếu những công trình tầm cỡ.
“Tôi lấy một ví dụ, Cách mạng tháng Tám là một sự kiện rất trọng đại của lịch sử Việt Nam nhưng đến nay, chỉ có một công trình nghiên cứu duy nhất vài ba trăm trang” - GS Lê nói.
Để tiếp thêm lửa đam mê cho các nhà khoa học, GS Thông gợi ý tới cơ quan quản lý nhà nước cần tạo môi trường nghiên cứu khoa học trong các trường, viện nghiên cứu, bệnh viện…
“Cán bộ trẻ cần được đào tạo bài bản, đặc biệt là về phương pháp nghiên cứu. Cần xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, vì ở đó là nơi tập trung nhiều nhà khoa học nhất. Bên cạnh đó, phải có thù lao thỏa đáng để các nhà khoa học sống được bằng công việc của mình, không phải chạy kiếm tiền bằng công việc khác, dần dần mất đi đam mê nghiên cứu” - GS Thông kiến nghị.
Trả lời thắc mắc của độc giả cuộc giao lưu trực tuyến về tác động của Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đối với những cá nhân, tập thể đã đoạt giải, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, giải thưởng được trao tặng cho các công trình đặc biệt xuất sắc và xuất sắc, có giá trị cao về KH&CN trước hết là sự tôn vinh các nhà khoa học đã cống hiến cho nền khoa học nước nhà; có tác động tích cực trong việc khích lệ các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, sáng tạo và hình thành các trường phái khoa học, xây dựng các nhóm nghiên cứu, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp tục dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học. Các giải thưởng đã được trao tặng cũng giúp cộng đồng khoa học thế giới thấy được diện mạo của nền khoa học Việt Nam. |