“Bom nổ chậm” cũng không sợ
Mắt lim dim, kỹ sư (KS) Nguyệt nhớ lại lúc đóng máy biến áp 110kV đầu tiên do bà chịu trách nhiệm chính được lắp đặt tại trạm điện Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc): “Ro ooo… tiếng máy chạy êm ru. Tôi thốt lên: “Ôi ngon rồi. Sướng quá!”.
Để có được khoảnh khắc đó, bà đã trải qua bao gian nan: “Khi tôi đề xuất ý tưởng, 95% số người trong ngành điện không tin tôi thành công, bảo làm sao chế được máy 110kV khi đến cả máy 35kV cũng chưa làm tốt. Nhiều người còn tò mò đi xem mặt kẻ dám nhận làm máy 110kV”.
Thiếu tài liệu, bà Nguyệt và cộng sự chỉ có thể quan sát các trạm điện để học hỏi. Ông Nguyễn Bình Đoàn - cộng sự nhiều năm của bà - nhớ lại: “Trời rất nóng nhưng chúng tôi vẫn leo lên các trạm biến áp, xem xét, đo đạc kỹ lưỡng, sau về phân tích, suy luận. Chị ấy có lẽ là kỹ sư điện say nghề nhất thời đó”.
KS Nguyệt bồi hồi: “Khi đưa máy đến trạm 110kV Vĩnh Yên, mọi người đều bảo chúng tôi đem bom nổ chậm lên, bởi nếu sự cố của máy biến áp 110kV xảy ra thì ai cũng sợ. Hôm đóng điện, hàng trăm người dự họp, 2 xe chữa cháy với hàng chục lính cứu hỏa bố trí các nơi. Lúc đóng máy, mọi người tản ra, không ai dám lại gần. Tôi tự nhủ, nó là con mình đẻ ra, lúc khó khăn mình phải ở cạnh nó”.
Thành công này đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành điện lực, bởi đây là máy biến áp 110kV Việt Nam đầu tiên.
Chưa ai làm thì mình làm
Năm 2003, bà Nguyệt bắt đầu nghiên cứu tính toán, thiết kế để chế tạo máy biến áp 220kV - công trình giúp bà được phong Anh hùng Lao động năm 2005. Ông Đào Văn Hưng - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - kể: “Lúc đó người ủng hộ không nhiều vì Việt Nam chưa ai làm máy này, nếu mất điện thì hậu quả rất lớn. Nhưng khi nghe chị ấy trình bày, tôi thấy chị rất quyết tâm nên vẫn bảo lãnh để chị làm”.
“Không có gì để tham khảo ngoài tài liệu, tôi đọc rất nhiều rồi tổng hợp lại, suy luận rằng máy 110kV làm thế này thì máy 220kV phải làm thế kia. Sau hai năm, vừa nghiên cứu tính toán, vừa hướng dẫn công nghệ sản phẩm đầu tiên ra đời” - KS Nguyệt kể.
Dù rất mạnh mẽ theo đuổi mục tiêu, bà không tránh khỏi những khi rơi nước mắt. Như lần lắp máy biến áp cho vào máy sấy, thấy khung máy rất to, bà sợ quá, nghĩ nhỡ mình tính toán nhầm, thế là khóc hu hu chạy về phòng, cả tuần không dám bén mảng đến.
Chỉ vết sẹo ở cổ tay, KS Nguyệt bảo đó là kỷ niệm về lần làm máy 220kV: “Khi chưa đóng máy, tôi đi rất nhiều chùa, cầu trời Phật phù hộ cho xong việc, có gì rủi ro tôi xin chịu hết. Sau buổi chiều thử máy lần cuối, tôi về bị ngã cầu thang gãy tay luôn”. Ấy vậy mà 3 hôm sau, tại trạm điện Sóc Sơn, Hà Nội, bà vẫn tham gia việc đóng điện với một tay bó bột.
Máy biến áp 220kV ra đời khiến Việt Nam không còn phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, giảm được 20-30% chi phí, kế hoạch phát triển trạm biến áp được triển khai kịp thời.
Phát hiện sai kích thước trong mơ
KS Nguyệt thường xuyên làm việc đến 8 giờ tối. Ông Đỗ Phi Bằng - tổ trưởng tổ sản xuất Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - cho biết, trong thời kỳ làm máy 500kV đầu tiên năm 2010, ngày nào cũng phải 9-10h tối bà mới về.
Tự nhận mình nghiện việc đến mức lắm khi như người ngẩn ngơ, bà nói: “May tôi đi xe đạp, chứ nếu đi xe máy rất nguy hiểm vì đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến máy, có đêm ngủ mơ thấy một chỗ bị nhầm kích thước, hôm sau đến kiểm tra quả nhiên sai chỗ đó”.
Với bà, chuyện đến tận nhà máy mới nhận ra mình đang vận đồ ngủ hoặc hai chân hai dép khác nhau không có gì lạ, khi trong đầu “chỉ có máy và máy, kích thước nọ kích thước kia”. Được hỏi về thời gian cho gia đình, bà cười: “Khi toàn tâm vào một việc thì những việc khác khó toàn vẹn. Chuyện tôi đi làm về gần đến nhà mới nhớ nhà hết gạo là bình thường”.
Thực ra, người phụ nữ “cứng đầu” trong khoa học, coi công việc là nhất này rất biết cách mềm mỏng, lựa ý đức lang quân. “Hôm nào về nhà nghe có tiếng hát là biết ông ấy vui vẻ, còn thấy loảng xoảng là biết có chuyện, phải nghĩ cách giảm cường độ” - bà hóm hỉnh. Ở tuổi 66, bà vẫn để ý đến cảm nhận của ông trong từng việc nhỏ, kể cả việc nhận lời gặp nhà báo, rằng ông sẽ đọc được gì trên báo về vợ mình.
Nói về tuổi tác, bà thản nhiên: “Tôi còn trẻ chán so với tuổi 100. Khi nào tôi chú ý đến ăn mặc, lúc đó chắc không làm khoa học được nữa”.