Nhận thấy vấn đề kho bãi bị trống hoặc quá tải trong nhiều thời điểm mà không được tận dụng hiệu quả, hai nhà sáng lập Rajnish Sharma và Rod Davariz đã cùng nhau tạo ra nền tảng kho bãi theo yêu cầu đầu tiên ở Việt Nam.
Kho bãi linh hoạt
Hai người đàn ông này gặp nhau trong một chương trình tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do quỹ đầu tư Antler tổ chức ở TP.HCM vào năm 2021. Với cùng niềm đam mê về chuỗi cung ứng, họ đã phỏng vấn một loạt doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau và nhận thấy nhu cầu kho bãi theo yêu cầu ở Việt Nam là cực kì lớn. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn muốn có một phương án sử dụng kho linh hoạt, tiết liệm vì bản thân họ không có đủ tiền để đầu tư cho một nhà kho mới và cũng không dự báo chắc chắn được hoạt động kinh doanh của mình trong vài tháng tới.
Rajnish và Rod hình dung họ có thể giải quyết vấn đề bằng một nền tảng tương tự như Airbnb nhằm kết nối những người có kho bãi cho thuê và những người thuê kho bãi. Khi tìm hiểu thị trường, cả hai không thấy có bất kì công ty nào đã cung cấp dịch vụ tương tự tại Việt Nam. Chính vì thế, họ đã quyết tâm cho ra đời Wareflex.
Wareflex là một mô hình kết nối B2B theo phương thức trả tiền theo lượt sử dụng mỗi khi cần thay vì ký hợp đồng thuê dài hạn. Để tham gia nền tảng, người dùng cần có mã mời và được xác minh thông qua ID hoặc email công ty. Bằng cách này, các nhà phát triển nền tảng cố gắng đảm bảo rằng tất cả người dùng Wareflex đều là những bên đáng tin cậy.
Là một người Ấn Độ nhưng đã dành hơn 12 năm làm việc tại Việt Nam dưới vai trò trưởng bộ phận lập kế hoạch và quản lý bán lẻ của TH Group và từng là giám đốc của một công ty vật liệu xây dựng và khai khoáng ở Quảng Ninh, Rajnish hiểu về những khó khăn mà các ngành công nghiệp khác nhau ở Việt Nam phải đối mặt trong chuỗi cung ứng.
Vấn đề nổi bật nhất là tỷ lệ chi phí logistics trên tổng GDP của Việt Nam quá cao so với các nước Đông Nam Á khác. Theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam năm 2021 chi phí logistics vẫn chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam, trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6% GDP.
Rajnish lý giải, một mặt vì địa hình đất nước là dạng chữ S kéo dài theo chiều dọc nên chi phí vận chuyển thường tăng lên. Mặt khác, việc phân phối đang diễn ra không hiệu quả, chủ yếu ở khâu vận tải.
Về cơ bản, vận tải kết nối các chuyến đi từ điểm này đến điểm khác. Kho bãi là nơi lưu trữ nhiều hàng hóa nhất và cũng là khởi đầu của những chuyến đi. Vì những can thiệp vào việc tối ưu hóa chuyến đi đã có một số công ty khởi nghiệp khác của Việt Nam đảm nhận nên Wareflex nhắm đến giải quyết một vấn đề lớn khác là kho bãi linh hoạt.
Nếu doanh nghiệp có thể điều chỉnh linh hoạt các “điểm nút” trữ hàng của mình – chẳng hạn như thay vì một kho hàng/trung tâm phân phối lớn, họ có thể tổ chức thành một vài trung tâm phân phối nhỏ - thì cuối cùng nó sẽ có khả năng làm giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đại dịch, thương chiến Mỹ-Trung và đặc biệt là Việt Nam đang tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, khối lượng về hàng hóa luân chuyển ở Việt Nam sẽ có xu hướng ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu về kho bãi cũng sẽ tăng nhanh chóng.
Trong khi đó, người đồng sáng lập Rod lại nhìn nhận điểm yếu của chuỗi cung ứng ở một góc độ khác. Trước khi đến Việt Nam vào năm 2021, Rod đã có gần 8 năm làm kiến trúc sư thiết kế giải pháp ở công ty công nghệ Oracle nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến số hóa chuỗi cung ứng cho khách hàng trong các ngành khác nhau ở Australia và Brazil.
Ở Việt Nam, anh thấy các doanh nghiệp vẫn đang quản lý các kho hàng và dịch vụ của mình theo cách rất truyền thống. Điều này dẫn đến thông tin bị khép kín và lập lờ, khiến những người muốn thuê kho bãi mất rất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp với nhu cầu và mức giá của mình.
Wareflex tạo ra một marketplace hoàn hảo cho việc xem xét thông tin cung-cầu. Để xuất hiện trên nền tảng số này, các bên kho bãi phải trả lời một danh kỹ thuật dài về những gì họ cung cấp và thuộc tính của kho, bao gồm cơ sở hạ tầng đã xây dựng, cách thức tiếp cận những khu vực đó, các loại giấy phép hoặc cấp quyền đảm bảo rằng kho bãi của họ đủ tiêu chuẩn để lưu trữ các loại sản phẩm khác nhau, cũng như giá cả và tình trạng sẵn có của kho.
Bên cạnh việc cung cấp sự minh bạch, Warelex cũng đang bảo vệ tính bí mật của các doanh nghiệp. Bởi họ đang làm việc trong lĩnh vực B2B - nơi mà những quyết định về kho bãi và hóa đơn tiền hàng của khách hàng có thể lên tới con số đáng kể, nhiều khách hàng mong muốn được bảo vệ danh tính của mình trước khi thông tin được chia sẻ với những nhà cung cấp kho bãi khác. Wareflex có thể đảm bảo những doanh nghiệp này được cung cấp một danh sách các yêu cầu kinh doanh dưới dạng ẩn danh.
Wareflex hiện đang có hơn 100 nhà kho trên khắp Việt Nam và danh sách này đang tăng lên mỗi ngày. Rajnish cho biết tổng diện tích kho của họ lên tới 1,3 triệu mét vuông. Khi nói đến diện tích, đây không chỉ thuần túy là những con số mà còn là các loại kho khác nhau, bao gồm kho lạnh, kho khô, kho kiểm soát nhiệt độ, v.v thậm chí là sân bãi. Các kho hàng hiện chủ yếu phân bổ ở miền Nam, nhưng cũng có một số ít ở các tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vinh Phúc.
Mạo hiểm làm người đi đầu
Tạo ra một marketplace để đưa những người có kho bãi và những người có nhu cầu tụ tập lại một chỗ mới là bước đi đầu. Trong giai đoạn thứ hai, khi sự phức tạp của chuỗi cung ứng của khách hàng tăng lên, Wareflex sẽ cải thiện quy trình “mai mối” cung-cầu bằng cách áp dụng trí tuệ nhân tạo và học máy để tối ưu hóa thiết kế mạng lưới kho hàng và cung cấp các tính năng nâng cao cho người dùng Wareflex.
Đến lúc đó, những doanh nghiệp SMEs tham gia thị trường – vốn chưa bị áp lực số hóa khi sử dụng một ứng dụng đơn giản để kết nối với nhau – sẽ có thêm động cơ để cải thiện và tiêu chuẩn hóa các hoạt động, dịch vụ của mình với khách hàng. Các nhà đồng sáng lập Wareflex nói rằng đó là một cách tiếp cận từ dưới lên cho vấn đề số hóa doanh nghiệp, và đó cũng là mục tiêu mà họ hướng tới.
Nhớ lại những ngày đầu khi nói chuyện với các doanh nghiệp về ý tưởng của một nền tảng số để kết nối kho bãi, Rajnish và Rod tự hỏi rằng liệu những nhà cung cấp kho bãi có thực sự hiểu khái niệm và ủng hộ ý kiến đó không vì nhìn chung, hoạt động số hóa và hiểu biết về công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn khá thấp.
Nhưng điều khiến họ thực sự ngạc nhiên là nhiều doanh nghiệp ủng hộ và muốn hỗ trợ nền tảng này. Các khách hàng đã tiếp cận họ, thậm chí gửi tin nhắn mỗi khi tìm thấy một kho hàng có tiềm năng để đưa lên nền tảng. Vì vậy, ban đầu, các nhà sáng lập gặp khó khăn về nguồn cung nhưng bây giờ họ đã có một danh sách kho bãi và khách hàng ổn định. Về cơ bản, ba nhóm khách hàng lớn của họ bao gồm những người sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu, các nhà bán buôn, và các công ty bán lẻ.
Mô hình của Wareflex có vẻ mới mẻ ở Việt Nam nhưng trên thực tế, những startup tương tự đã được triển khai thành công ở Indonesia, Malaysia và Philippines. Rod cho biết đó vừa là tiềm năng vừa là thách thức. Hồi đầu, khi làm việc về các vấn đề tuân thủ, các cơ quan chức năng và đối tác của họ cần một chút thời gian để hiểu khái niệm và cung cấp đầy đủ giấy phép áp dụng. Nhưng nó chỉ là những rắc rối nhỏ vì “chưa quen” và không còn gặp lại nữa. Vấn đề mà họ phải đối mặt bây giờ là vốn và nhân lực.
Rajnish tự tin nói rằng công ty đã vượt qua những cột mốc nội bộ mà nhóm đặt ra trong quá trình lên kế hoạch và cảm thấy có thể tăng tốc. Cuối năm 2021, Wareflex đã nhận được một khoản tài trợ tiền hạt giống không tiết lộ với sự tham gia của quỹ Antler. Hiện nay, họ đang gọi vốn tiếp theo để đầu tư cho giai đoạn hai nhằm phát triển sản phẩm và mở rộng đội ngũ.
Trong khi định hướng về sản phẩm là khá rõ ràng, nhân sự lại là vấn đề thách thức hơn. Rod tâm sự rằng nhiều người quan tâm đến sản phẩm nhưng không nhất thiết cảm thấy nhiệt tình khi làm việc trong không gian hậu cần B2B vì nó đòi hỏi nhiều kiến thức, hiểu biết về quy trình và cấu trúc chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp khác nhau hơn là khu vực B2C.
Việc tìm được ứng viên phù hợp có thể khó khăn, nhưng hai nhà đồng sáng lập Wareflex nói rằng họ muốn phát triển nhanh chóng, nhưng không muốn chỉ vì phát triển nhanh mà đưa sai người vào hệ thống.