OnWheel, một sản phẩm nội bộ của AhaMove sau đó tách ra như một dự án độc lập, đang cung cấp cho các doanh nghiệp bên ngoài những giải pháp giao hàng chặng cuối linh hoạt.

Nguyễn Cảnh Thức (bìa trái) và đội ngũ của mình tại AhaMove. Ảnh: OnWheel/Block71
Nguyễn Cảnh Thức (bìa trái) và đội ngũ của mình tại AhaMove. Ảnh: Block71 Saigon

Kết hợp các đội xe

Mỗi ngày công ty mẹ AhaMove chuyển phát hơn 90.000 bưu kiện và tạo thu nhập cho hơn 10.000 tài xế. Là một doanh nghiệp lớn trên thị trường giao hàng công nghệ tại Việt Nam, AhaMove đang đứng cạnh nhiều đối thủ cạnh tranh như Grab, Lalamove và ViettelPost để góp phần thúc đẩy “mạch máu” lưu thông hàng hóa trong thị trường.

Chia sẻ về ý tưởng bắt đầu OnWheel, người đứng đầu dự án Nguyễn Cảnh Thức nói rằng khi phụ trách vấn đề kỹ thuật của AhaMove, nhóm của anh đã phát triển ra nhiều công cụ để tối ưu hóa việc giao hàng, kiểm soát quá trình giao hàng cũng như đưa ra mức phí phù hợp cho thị trường. Kinh nghiệm thương trường dày dặn trong bảy năm đã khiến hệ thống của họ không những hiện đại và ổn định mà còn được kiểm chứng từ nhiều trường hợp thực tế để cải thiện đáp ứng thói quen giao hàng của nhiều mảng khác nhau. Nhưng thực tế là mặc dù sử dụng các dịch vụ giao hàng của AhaMove rất hiệu quả, một số khách hàng cũng không thể chuyển tất cả đơn đặt hàng của mình sang đội xe của AhaMove.

Có nhiều lý do cho điều này. Chẳng hạn như các chuỗi siêu thị đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên vẫn muốn bảo lưu lượng nhân viên giao hàng khổng lồ hoặc giữ hợp đồng với những nhà vận chuyển truyền thống, hay một số nhãn hàng thấy rằng việc sử dụng đội xe của riêng mình trong những giờ thấp điểm sẽ tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng dịch vụ và định vị thương hiệu trong lòng người tiêu dùng tốt hơn là sử dụng dịch vụ của bên thứ ba. Một số lại cần đội xe chuyên dụng vì họ có những mặt hàng phức tạp, cồng kềnh như ghế chơi game, đồ nội thất … đòi hỏi không chỉ vận chuyển mà cả người lắp đặt đi cùng.

Dù tính chất khác nhau nhưng tất cả những khách hàng này đều cần một phần mềm để quản lý đội xe của mình. Do đó, ý tưởng về một phần mềm quản lý mô hình giao hàng hybrid đã ra đời, cho phép các khách hàng linh hoạt lựa chọn giữa đội ngũ tài xế nội bộ của họ và tài xế của bên thứ ba cung cấp dịch vụ hậu cần như AhaMove.

OnWheel chính thức ra mắt vào cuối tháng 9/2020. Dựa trên tài nguyên sẵn có của công ty mẹ, khách hàng của OnWheel hiện gồm hai chuỗi đại siêu thị lớn là Saigon Coop và Go! BigC, cũng như một loạt chuỗi cửa hàng đồ ăn uống, bán lẻ, điện tử khác.

Central Retail, công ty mẹ của các thương hiệu như GO!, Big C và Tops Market cho biết tính đến đầu tháng năm năm nay, số lượng tài xế mượn từ Ahamove đã giảm từ 82% xuống còn chỉ chiếm 33% trên tổng số tài xế của họ. Điều này cho thấy OnWheel đã tối ưu hóa khâu vận hành và năng suất tài xế của Central Retail, nhờ đó tập đoàn không phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ đội tài xế bên ngoài.

Trong khi đó, Pizza 4P’s, một khách hàng trước đây thường sử dụng những tài xế giao hàng của AhaMove phù hợp với tiêu chuẩn của họ giờ đã có khoảng 70% số đơn hàng được giao bởi các tài xế nội bộ được quản lý thông qua OnWheel. Trong hơn một năm qua, chuỗi cửa hàng này cho biết đã giảm đáng kể được tình trạng có shipper thì hết hàng, có hàng thì hết shipper, hay sản phẩm dồn hết lại một nhà hàng trong khi các nhà hàng khác vẫn còn đủ công suất. Nếu như đặt hàng online trước đây chỉ là một phần dịch vụ của Pizza 4P’s thì giờ đây nó chính là mảng lõi trong kinh doanh của chuỗi cửa hàng ăn này.

Trong ngành hậu cần ngày nay, giao hàng chặng cuối quan trọng hơn bất kỳ khâu vận chuyển nào trước đó. Mỗi phút từ thời điểm tài xế rời khỏi kho đến khi gói hàng tới tay người nhận đều là vàng bạc. Việc trang bị cho các tài xế những thiết bị giám sát IoT và công nghệ phù hợp chính là chìa khóa để đảm bảo chuyến đi diễn ra suôn sẻ nhất có thể.

Anh Nguyễn Cảnh Thức nói rằng với tư cách là một kỹ sư, điều quan trọng nhất là làm sao tạo ra được những công nghệ số với thao tác sử dụng đơn giản và số lượng thao tác ít nhất để đào tạo cho tài xế/nhân viên có trình độ thấp hơn, đồng thời giúp họ tăng năng suất và thu nhập. Chẳng hạn, phần mền của OnWheel cho phép mỗi tài xế nhận nhiều đơn đặt hàng hơn trong một ngày bằng cách kết hợp nhiều lần giao hàng thành một tuyến đường được tối ưu hóa duy nhất để họ có thể di chuyển trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Với các nhân viên thu ngân vốn cực kì bận rộn và phải xử lý khối lượng đơn hàng khổng lồ mỗi ngày, hệ thống sẽ giúp họ thao tác tự động nhiều quá trình – ví dụ, nếu cần giao 30 đơn hàng, họ sẽ dùng 30 thao tác quét mã barcode để tải thông tin lên hệ thống, một thao tác để xác nhận số đơn và khiến hệ thống tự tối ưu chuyến đi giao hàng, và một thao tác để xác nhận thông tin chuyến đi đã chính xác để hệ thống gửi các chuyến đi cho tài xế. Dĩ nhiên có thể tính thêm các thao tác ngoại lệ để xử lý các trường hợp sai ở khâu quét mã hoặc xác nhận chuyến đi, nhưng về cơ bản, ứng dụng đã giảm đáng kể việc nhập liệu thủ công cho nhân viên. Các bảng ghi từ OnWheel cũng giúp ích trong việc tính tiền thu hộ (COD) và lương cho nhân viên giao hàng.

Trực quan hóa dữ liệu

Ẩn đằng sau mỗi tính năng của phần mềm này là một hệ thống các công cụ tiên tiến. Khi lĩnh vực gọi xe công nghệ đã phát triển đến nở rộ như hiện nay thì những thuật toán tối ưu hóa tuyến đường trở thành bài toán kinh điển mà bất kì công ty vận chuyển nào cũng phải giải được “đủ tốt”. OnWheel cũng đạt được những thành tự tương tự thông qua việc áp dụng các mã nguồn mở và tự bổ sung thêm những thuật toán machine learning riêng nhằm "học tập" lịch sử giao hàng của tài xế để đưa ra lộ trình tốt nhất.

Tuy nhiên, điều mà những nhà phát triển OnWheel tự hào nằm ở các công cụ phân tích không gian địa lý. Với họ, việc “nhìn thấy” những vấn đề như mất cân đối cung-cầu, giá cả tăng vọt, ghép đơn hàng, theo dõi chuyến đi… đều có thể tiếp cận dưới dạng dữ liệu số thô hoặc bảng biểu excel, nhưng nó rất không hiệu quả và trực quan với con người.

Đội ngũ của anh Nguyễn Cảnh Thức tìm kiếm một cách tiếp cận toàn diện hơn để hình dung các vấn đề bằng cách tận dụng những công cụ chuyên về phân tích không gian địa lý kepler.gl, tháp điều khiển locale.ai và phần mềm lập bản đồ GIS trực tuyến Aspectum, sau đó thêm vào các tính năng trích xuất, chuyển đổi và tải lên (EFL) nhằm tích hợp bản đồ với nguồn dữ liệu nội bộ. Từ đó, người quản lý có thể theo dõi toàn cảnh đội xe, kho bãi của mình trên bản đồ số sống động (live map) và đưa ra các lệnh điều khiển thông qua vài cú rê chuột. Tât cả giống hệt như một người nhạc trưởng chỉ đạo từ xa.


Dĩ nhiên, như nhiều người sử dụng bản đồ khác, OnWheel cũng gặp vấn đề về “sai vị trí”. Địa chỉ giao nhận hàng không khớp với tọa độ dự kiến khiến các tài xế bị mất thời gian và giảm năng xuất. Viết trên blog của công ty, anh Nguyễn Cảnh Thức thừa nhận rằng hiện họ chưa có biện pháp triệt để nào để giải quyết vấn đề nhưng đang thử nhiều cách khác nhau để cải thiện tình hình, chẳng hạn như xây dựng một cơ sở dữ liệu vị trí nội bộ, tạo ra các công cụ so sánh bản đồ từ nhiều nhà cung cấp khác nhau để kiểm tra thủ công địa điểm bằng mắt, thiết lập các chỉ số nội bộ để đảm bảo tỷ lệ vị trí sai ở mức chấp nhận được, hoặc xây ra các “game” xác minh địa chỉ cho phép người lái xe gửi ảnh và tọa độ của địa chỉ chính xác để nhận được “điểm” bồi thường cho quãng đường mà họ phải lái đến. Khi có nhiều người xác nhận vị trí đó là đúng, tọa độ chính xác mới sẽ được cập nhật lên bản đồ.

OnWheel cũng đặt cược công nghệ vào một hệ thống phân tích kinh doanh thông minh gọi là Metabase. Công cụ này cho phép tự động phân tích và hiển thị mọi số liệu của khách hàng trên hệ thống thành các dạng biểu đồ hình quạt, đường, cột… để quan sát trên một bảng điều khiển số. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể có những cái nhìn sâu sắc về hoạt động của mình và cải tiến những bộ phận khác nhau.

Những kỹ sư của OnWheel đã sử dụng Metabase từ rất sớm, gần như vào thời điểm mã nguồn mở này được công bố trên Hacker News sáu năm trước. Vào thời điểm đó, Metabase chưa đủ trưởng thành nên họ áp dụng chiến thuật kết hợp Metabase với một công cụ SaaS của bên thứ ba để sao lưu và bù đắp điểm yếu. Họ đã tự mình viết ra một trình kết nối chung để Metabase không chỉ sử dụng cơ sở dữ liệu nội bộ của AhaMove mà còn từ nhiều nguồn cơ sở dữ liệu khác của khách hàng. Họ cũng xây dựng trình một trình kết nối Metabase với Google Data Studio để trực quan hóa các dữ liệu cấu trúc của Metabase.

Sau nhiều cải tiến, giờ đây Metabase đã trở thành “bộ não” đằng sau hoạt động báo cáo thông minh của tất cả doanh nghiệp đối tác. BigC cho biết hiện họ chỉ cần sử dụng một đội ngũ ba người là có thể nắm được tình hình vận hành của hơn 37 siêu thị trên toàn quốc và toàn bộ số liệu báo cáo xung quanh theo thời gian thực.