Dù được các cán bộ kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng việc phá rừng và khai thác lâm sản trái phép vẫn còn tồn tại. Điều này khiến nhiều động thực vật ở vườn quốc gia Cát Tiên vẫn đang bị rơi vào tình trạng nguy cấp.

Hiện nay, vườn quốc gia Cát Tiên không chỉ là một trong những nơi có số lượng động thực vật phong phú nhất Việt Nam, mà còn là khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Do đó, công tác bảo vệ cũng như phát triển các loài động thực vật ở nơi đây đang được triển khai rất nghiêm ngặt và đúng khoa học.

Vượn đen má vàng, một trong những loài linh trưởng quý hiếm tại vườn quốc gia Cát Tiên.

Tuy nhiên, các đối tượng phá rừng và khai thác lâm sản lại ngày càng tinh vi, táo tợn hơn. Điều này khiến lực lượng chức năng tại vườn quốc gia Cát Tiên gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ và kiểm tra rừng.

Theo số liệu thống kê của vườn quốc gia Cát Tiên, kể từ đầu năm 2016 cho đến nay, các cán bộ kiểm lâm tại đây đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 74 vụ vi phạm về khai thác lâm sản trái phép, vận chuyển mua bán động vật hoang dã.... Bắt giữ 90 đương sự với tổng số tiền xử phạt hành chính hơn 234 triệu đồng.

Ngoài ra, chỉ trong 9 tháng đầu năm, vườn quốc gia Cát Tiên còn tịch thu được 5,5m3 gỗ nhóm I, 0,45m3 gỗ nhóm II-VIII, 18 khẩu súng tự chế, 12 bộ máy xung điện, 10.009 sợi dây bẫy các loại. Thả về rừng 20 cá thể động vật hoang dã và tiêu hủy hơn 122kg thịt động vật hoang dã các loại.

Lượng bẫy do Trạm kiểm lâm Bàu Sấu tịch thu trong vòng 9 tháng đầu năm.

Mặc dù các số liệu kể trên có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2015, song điều này vẫn cho thấy, nạn khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã tại vườn quốc gia Cát Tiên vẫn đang còn tồn tại khá nhiều. Thậm chí, các đối tượng ngày càng có những hoạt động tinh vi hơn, khiến công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo anh Hoàng Minh Chương – cán bộ kiểm lâm tại vườn quốc gia Cát Tiên, các đối tượng săn bắt động vật hoang dã đang ngày càng tinh vi hơn. Đồng thời, chúng cũng sẵn sàng chống đối và tấn công các cán bộ kiểm lâm khi bị phát hiện. Điển hình, vào ngày 16/7/2016, trong lúc đang tuần tra tại xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, một cán bộ kiểm lâm của vườn đã bị một nhóm đối tượng tấn công gây chấn thương vùng mặt.

Gió lớn khiến các cây cổ thụ bị gẫy đổ.

Ngoài các vấn đề kể trên, vườn quốc gia Cát Tiên cũng đang phải chịu không ít ảnh hưởng từ các thiên tai trong thiên nhiên. Cụ thể, vào mùa khô, các thảm cỏ rộng lớn dễ xảy ra tình trạng cháy rừng với quy mô lớn. Trong khi đó, vào mùa mưa, những trận gió lớn do ảnh hưởng của các cơn bão lại là nguyên nhân chính dẫn đến hàng chục cây gỗ lớn bị gãy đổ.

Bên cạnh đó, các đập thủy điện trên sông Đồng Nai cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho các loài động thực vật tại vườn quốc gia Cát Tiên. Điển hình, đề án xây dựng hai đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã làm hủy hoại hơn 150 hecta rừng để làm hồ chứa ngay trong vườn quốc gia. Đồng thời, nó cũng làm diện tích sinh sống của các loài thú nơi đây bị thu hẹp lại đáng kể.

Chưa kể, việc xây dựng dựng các đập thủy điện cũng làm lượng nước cung cấp cho các vùng đầm lầy, hồ nước trong vườn quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, phải kể đến việc lượng nước vào Bàu Sấu - nơi đang thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển loài cá sấu nước ngọt quý hiếm bị ảnh hưởng không nhỏ.

Những cây gỗ lớn tại vườn quốc gia Cát Tiên sẽ chỉ còn là "dĩ vãng" nếu không có các biện pháp bảo vệ hợp lý.

Từ những vấn đề kể trên, chúng ta có thể thấy rằng, nếu không có các biện pháp khắc phục kịp thời thì thiên nhiên hoang dã tại vườn quốc gia Cát Tiên sẽ còn phải chịu rất nhiều “nỗi khổ”. Đa dạng sinh học đang ngày càng bị đe dọa, nhiều loài động thực vật quý có thể biến mất vĩnh viễn như loài tê giác Java một sừng.

Điều này đang khiến vườn quốc gia Cát Tiên khó có cơ hội trở thành di sản thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long.