“Mua và sử dụng sừng tê giác chính là tự làm xấu đi hình ảnh của bản thân và quốc gia” là thông điệp của bộ phim vừa ra mắt độc giả của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV).
Hôm 13/9, tại Hà Nội, Trung
tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim ngắn truyền thông mới với thông điệp: “Mua và sử dụng sừng tê
giác chính là tự làm xấu đi hình ảnh của bản thân và quốc gia”.
Phim dài một phút, được xây dựng
với mục tiêu khuyến khích công chúng không tiêu thụ sừng tê giác để góp phần
chấm dứt tình trạng giết hại tê giác tại Nam Phi.
Phim ngắn này được Tổ chức Bảo vệ Tê giác thế giới (Save the Rhino International), Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (International Rhino Foundation) và Cục cá và
động vật hoang dã Hoa Kỳ (United States Fish and Wildlife Service) đã hỗ trợ sản xuất.
Trong phim, một doanh nhân trẻ đã
biếu cha mình sừng tê giác - người cha đã ngay lập tức từ chối và nói với con
trai: “Những người mua, tiêu thụ sừng tê
giác là vô tình tiếp tay cho nạn săn bắn tê giác, và đã làm xấu đi hình ảnh của
họ và của đất nước. Lẽ ra con nên từ chối món quà này”. Lớn lên trong một
gia đình tri thức nhưng người doanh nhân trẻ đã hành động thiếu suy nghĩ khi nhận
món quà sừng tê giác và sau đó định biếu cha mình – một học giả đáng kính đã nghỉ
hưu - để giúp cha tăng cường sức khỏe.
Hiện nay, cộng đồng quốc tế cho
rằng Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn trên thế
giới. Sừng tê giác thường được sử dụng làm những món quà xa xỉ trong các mối
quan hệ làm ăn và để thể hiện đẳng cấp. Ngoài ra, một số người còn tin rằng
sừng tê giác có thể chữa được bách bệnh, trong đó có cả ung thư.
Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại
các quốc gia như ở Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của tình trạng thảm
sát tê giác tại Nam Phi. Trung bình, có 3 cá thể tê giác bị giết hại mỗi ngày ở
Nam Phi (1,215 cá thể năm 2014 và 1,175 cá thể năm 2015).
Bà Nguyễn Thị Phương Dung - PGĐ ENV
- cho biết. “Cuộc chiến bảo vệ tê giác
đầy thử thách sẽ không thể thành công nếu thiếu sự góp sức của cộng đồng. Tất cả chúng ta, những công dân của Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ các loài tê giác trên thế giới”.
Đây là phim truyền thông thứ ba được
ENV ra mắt trong năm nay, và là phim ngắn thứ 30 do ENV sản xuất. Xây dựng phim
truyền thông là một trong những hoạt động của chiến dịch dài hạn của ENV nhằm
giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý,
hiếm.
Theo bà Dung, cùng với việc chia
sẻ thông điệp của phim ngắn, mỗi cá nhân có thể cứu giúp các loài tê giác khỏi
nạn thảm sát bằng ba hành động thiết thực: Không mua hay tiêu thụ sừng tê giác;
thông báo hành vi mua bán, trao đổi sừng tê giác tới cơ quan chức năng địa
phương hoặc đường dây nóng miễn phí về bảo vệ động vật hoang dã của ENV (1800
1522); khuyến khích những người thân không tiêu thụ sừng tê giác.