22% diện tích vùng Pantanal của Nam Mỹ đã bị hỏa hoạn thiêu rụi trong mùa cháy vừa qua và hệ sinh thái đất ngập nước quý hiếm này có thể sẽ không bao giờ phục hồi.

Pantanal (chủ yếu thuộc lãnh thổ tiểu bang Mato Grosso do Sul, Brazil nhưng kéo dài qua cả bang Mato Grosso và các phần thuộc hai quốc gia Bolivia và Paraguay) là vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất thế giới, nơi sinh sống của các dân tộc bản địa và tập trung nhiều loài quý hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn như báo đốm và chim khổng tước.

Hằng năm các đám cháy nhỏ vẫn thường xảy ra ở đây từ tháng 7 đến hết tháng 10, lan rộng ra các vùng phía tây Brazil và kéo dài sang Bolivia và Paraguay. Nhưng các đám cháy năm 2020 nghiêm trọng và lan rộng chưa từng có. Cho đến nay 22% diện tích của đồng bằng ngập nước rộng lớn này (tương đương khoảng 3,2 triệu ha) đã bị hỏa hoạn thiêu rụi, theo Renata Libonati, chuyên gia viễn thám tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro, Brazil. Như vậy, diện tích bị cháy ở Pantanal lớn gấp đôi diện tích đã bị cháy trong vụ hỏa hoạn kỷ lục ở California cùng trong năm nay.

Hơn nữa, các nhà khoa học lo ngại những trận hỏa hoạn cực mạnh sẽ làm thay đổi sâu sắc hệ sinh thái vốn đã mỏng manh của Pantanal cũng như các chương trình nghiên cứu điều tra sinh thái và đa dạng sinh học của khu vực này.

Các nhân viên cứu hỏa và tình nguyện viên ở Pantanal, Brazil, đã nỗ lực giải cứu báo đốm khỏi đám cháy dữ dội.

Những kịch bản tồi tệ hơn vẫn ở phía trước

Không giống như trong Rừng nhiệt đới Amazon gần đó, thảm thực vật ở Pantanal đã phát triển để cùng tồn tại với lửa - nhiều loài thực vật ở đó thậm chí cần nhiệt từ lửa để nảy mầm. Thường xuất hiện do sét đánh, những đám cháy tự nhiên có xu hướng bùng phát vào cuối mùa khô, vào tháng Chín. Chúng nhanh chóng hết "nhiên liệu" cháy, và các vùng ngập nước xung quanh cũng ngăn không cho các đám cháy lây lan.

Nhưng Pantanal đang đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 47 năm qua, Luisa Diele-Vegas, nhà sinh thái học người Brazil tại Đại học Maryland ở College Park, cho biết. Tình trạng khô hạn bất thường làm trầm trọng thêm nguy cơ hỏa hoạn.

Điều khiến các nhà khoa học lo lắng hơn nữa là mùa cháy năm nay có thể không phải là một sự cố cá biệt. Mô hình khí hậu cho thấy Pantanal có thể trở nên nóng hơn và khô hơn, khả năng nhiệt độ sẽ tăng 7 ºC vào cuối thế kỷ này. Dữ liệu chưa được công bố từ dự án Diele-Vegas cho thấy một kịch bản thậm chí còn tồi tệ hơn: đến năm 2050, nếu xu hướng biến đổi khí hậu tiếp tục, hằng năm nhiệt độ trung bình ở Pantanal có thể tăng 10,5% và lượng mưa có thể giảm 3%.

Theo Marengo, những thay đổi này có thể dẫn đến sự sụp đổ của thảm thực vật hiện tại của Pantanal, khiến nó thậm chí còn dễ bị hỏa hoạn hơn và có thể khiến khu vực chuyển đổi thành một loại hệ sinh thái khác.

Ngọn lửa cũng đã lan tới năm lãnh thổ ở Pantanal nơi các cộng đồng bản địa sinh sống. Ba nơi bị ảnh hưởng nặng nhất - Baía dos Guató, Perigara và Tereza Cristina - đều bị thiêu rụi hơn 80% diện tích đất.

“Nếu các xu hướng khí hậu, xu hướng quản lý đất đai và chính trị chống lại môi trường hiện nay vẫn tiếp diễn, thì Pantanal sẽ không còn tồn tại,” Luciana Leite, nhà nghiên cứu mối quan hệ của con người với thiên nhiên tại Đại học Liên bang Bahia ở Salvador, Brazil, nói.

Năm nay, góp thêm vào hỏa hoạn tự nhiên, nhiều vụ cháy ở khu vực này là do các chủ trang trại phóng hỏa để phát quang lấy chỗ chăn nuôi đã vượt tầm kiểm soát. Hồi tháng 7, Tổng thống Brazil Jair Bolsonarotuyên bố hoãn phóng hỏa đốt rừng 120 ngày ở Amazon và Pantanal; tuy nhiên quyết định này không được thực thi nghiêm túc. Ngoài ra, chính quyền Bolsonaro, vốn nổi tiếng là không thân thiện với môi trường rừng trong khu vực, đã giảm số lượng thanh tra môi trường và cắt kinh phí cho công tác phòng chống hỏa hoạn trong năm nay.

Nguồn:

https://www.nature.com/articles/d41586-020-02716-4