Tôi tốt nghiệp khoa Thiết kế - Tạo dáng công nghiệp và đang làm đúng chuyên môn tại một công ty Việt Nam liên kết với Singapore - chuyên sản xuất thiết bị y tế, làm cùng một nhóm kỹ sư phần cứng, phụ trách việc nghiên cứu và phát triển phần cứng, tức là những thứ như bo mạch, làm cho sản phẩm hoạt động được.
Trong quá trình làm việc, hai bên liên tục đưa ra những yêu cầu chỉnh sửa để tối ưu hóa sản phẩm nhằm đạt tới một mục tiêu: Đảm bảo thẩm mỹ theo yêu cầu của người thiết kế, tạo dáng và công năng của thiết bị. Người thiết kế cũng phải tư duy về vấn đề kết cấu để sản phẩm gần hơn với các công đoạn sản xuất.
Sau khi chốt được kiểu dáng và kỹ thuật, nhóm sẽ làm việc tiếp với kỹ sư cơ khí để họ điều chỉnh lần nữa, đảm bảo phần cứng của bo mạch, phần vỏ của người thiết kế gần gũi nhất với kỹ thuật gia công và vật liệu.
Để hành nghề thiết kế, tạo dáng công nghiệp thì cần “tạp học”. Việc học 5 năm trong trường đại học chỉ cung cấp những kiến thức tổng quan, nền tảng. Trong quá trình làm việc, người thiết kế phải chủ động tích lũy thêm nhiều kiến thức và liên tục cập nhật thông tin, kỹ năng mới.
Điều quan trọng nhất với người thiết kế, tạo dáng công nghiệp là khả năng làm việc ăn khớp với nhóm (kỹ sư thiết kế phần cứng và kỹ sư cơ khí) để tạo ra được một sản phẩm hoàn thiện về cả công năng, kiểu dáng.