Theo TS Đố Hữu Hào, hiện nay việc thiết kế vẫn chủ yếu ở dạng bắt chước mẫu mã của nước ngoài, thiếu suy nghĩ sáng tạo, chưa có sự kết hợp với các họa sỹ mỹ thuật công nghiệp để thiết kế, chế tạo và tạo dáng cho sản phẩm ngay từ đầu cho đến khi sản phẩm ra thị trường.
Việt Nam trải qua nhiều năm chiến tranh nên tình trạng thiếu thốn hàng hóa kéo dài. Ngay cả khi đã thống nhất, do chế độ bao cấp, hàng hoá vẫn khan hiếm, do đó các sản phẩm dù không đẹp thì khi đưa ra thị trường vẫn được tiêu thụ nhanh vì cung không đủ cầu. Thực tế này dần dần tạo ra thói quen không cần quan tâm đến tính thẩm mỹ của sản phẩm khi chế tạo, sản xuất.
Khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, các nhà thiết kế, nhà sản xuất mới bắt đầu chú ý đến việc tạo mẫu, tạo dáng công nghiệp cho sản phẩm của mình; nhưng việc thiết kế chủ yếu ở dạng bắt chước mẫu mã của nước ngoài, thiếu suy nghĩ sáng tạo, chưa có sự kết hợp với các họa sỹ mỹ thuật công nghiệp để thiết kế, chế tạo và tạo dáng cho sản phẩm ngay từ đầu cho đến khi sản phẩm ra thị trường.
Trình độ gia công cơ khí chính xác còn thấp và công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nguyên vật liệu tạo dáng công nghiệp phải nhập khẩu… cũng là nguyên nhân hạn chế khả năng làm đẹp cho sản phẩm. Hơn nữa, nhiều nhà sản xuất ngại đầu tư vào khâu mỹ thuật công nghiệp vì lo sẽ làm đội giá thành sản xuất, dẫn đến sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, khâu tiếp thị sản phẩm và chăm sóc khách hàng còn yếu, không nghe được các góp ý trực tiếp của khách hàng về mức độ xấu - đẹp của sản phẩm cũng là nguyên nhân hạn chế tính thẩm mỹ của sản phẩm công nghiệp Việt Nam.
Hằng Lê (Ghi)